Khen và chê

Cập nhật ngày: 15/09/2016 17:44:02


Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"
của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1947) - Ảnh tư liệu

ĐTO - Anh Phan Văn Bắc được vinh danh, khen thưởng vì đã dìu xe khách mất thắng trên đèo Bảo Lộc, hơn 30 người tránh khỏi tai nạn thảm khốc. Nhưng vẫn có ý kiến phủ nhận hành động dũng cảm của anh.

Ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn phải được khen mới được làm phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, được giới thiệu và trúng cử đại biểu Quốc hội. Khi vụ xe tư gắn biển số công bị phát hiện, con đường hoạn lộ của ông này bị đem ra mổ xẻ.

Khi Tập đoàn Formosa quyết định đầu tư vào khu kinh tế Vũng ÁngHà Tĩnh (năm 2008) với số vốn gần 10 tỷ đô la (khoảng 180 ngàn tỷ đồng), nhiều địa phương tìm đến học tập kinh nghiệm về thu hút đầu tư. Khi sự cố môi trường xảy ra, người đứng đầu tỉnh lúc bấy giờ bị búa rìu dư luận.

Chuyện đúng sai, hay dở sớm muộn nhân dân cũng biết, cơ quan chức năng phát hiện, kết luận, xử lý. Tuy nhiên, qua một số vụ việc trên cho thấy chuyện khen - chê của ta ít nhiều chủ quan, cảm tính.

Phê bình và tự phê bình (hình thức của khen - chê) là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng ta, để phát hiện, biểu dương thành tích, ưu điểm; ngăn ngừa, đẩy lùi hạn chế, khuyết điểm; để từng đảng viên tốt hơn, tập thể tốt hơn, đoàn kết và cùng chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Trong cộng đồng dân cư, thông qua các cuộc họp dân (như Tổ nhân dân tự quản cộng đồng ở Đồng Tháp), những chuyện hay dở cũng được nêu lên, để làng xã tốt hơn, xóm giềng gắn bó hơn.

Tuy nhiên, có thực trạng là một số người nặng chê, ít hoặc không khen, xem phê bình là cơ hội để bới móc hạn chế, khuyết điểm của đối tượng,

Khen và chê là chuyện bình thường nhưng không đơn giản, bởi xuất phát từ thông tin có được và cái tâm của người khen - chê: “khi thương trái ấu cũng tròn...”, “miểu sập, bìm bìm leo”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc sao cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai chua cay, thâm độc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc lớn, nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ: khen và chê đúng, trúng; để củng cố khối đoàn kết của tập thể cơ quan, dân tộc; để địa phương, đất nước phát triển.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn