Bố trí Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương đạt 100%

Cập nhật ngày: 07/08/2015 12:25:12

Theo Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, tổ chức bộ máy Công an các cấp trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn theo hướng chuyên sâu về chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với yêu cầu công tác thực tế tại địa phương; sáp nhập và duy trì thực hiện có hiệu quả 2 đội cảnh sát điều tra cấp huyện. Đặc biệt, Đảng ủy – Ban Giám đốc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về xây dựng toàn diện Công an cấp huyện. Từ năm 2010 đến nay đã tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ sung nguồn biên chế Công an tỉnh tăng 17,45%, trong đó biên chế chủ yếu tăng cường cho Công an cấp huyện. Hiện tại, biên chế Công an cấp tỉnh chiếm 39,94% và Công an cấp huyện chiếm 60,06%.


Lực lượng Công an tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành

Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đảm bảo dân chủ, theo đúng quy trình, nâng chất lượng. Qua đó, trong 5 năm qua đã điều động 1.493 lượt; luân chuyển 6 đồng chí quy hoạch chức danh lãnh đạo Công an tỉnh về giữ chức vụ Trưởng Công an cấp huyện; bố trí 100% Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương. Đồng thời, chuẩn hóa các tiêu chuẩn đánh giá, nhận xét cán bộ nhằm đánh giá đúng năng lực thực tế của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác hợp lý đối với từng trường hợp, góp phần giải quyết tình trạng “thừa biên chế, thiếu người làm việc”, nâng cao được tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân của CBCS.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCS được tăng cường nhằm nâng cao trình độ cho CBCS về mọi mặt, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, đào tạo chuẩn hóa chức danh, mở rộng nhiều loại hình đào tạo. Kết quả đã đưa đào tạo 961 đồng chí (Tiến sĩ 3, Thạc sĩ 44, Đại học 584, Trung cấp 329); bồi dưỡng ngắn hạn trên 2.920 lượt CBCS. Đến nay, cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 55,43% so với tổng biên chế. Đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong công tác, cải cách lề lối làm việc kết hợp quản lý các mối quan hệ xã hội và hoạt động ngoài giờ của CBCS.

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú ý, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, chuyên đề và theo diện rộng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, góp phần quản lý chặt chẽ CBCS, kiềm chế và kéo giảm tỷ lệ CBCS sai phạm hàng năm dưới 1%. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Bộ Công an về tăng cường quản lý, ngăn ngừa CBCS sai phạm; động viên, khen thưởng và phổ biến kịp thời những việc làm có hiệu quả, tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của CBCS cũng như xử lý nghiêm các trường hợp CBCS vi phạm pháp luật và các quy định của ngành.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn