Ý thức kém và nguy cơ gây tai nạn giao thông

Cập nhật ngày: 17/02/2017 15:22:45

ĐTO - Từ tháng 12/2016 đến ngày 8/2/2017, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông làm 28 người chết, 14 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn hoặc do người dân bày bán hàng hóa, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...


Xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh

Tại các tuyến đường Điện Biên Phủ, TP.Cao Lãnh, đường ĐT 856 vào xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, ngay tại khu vực vòng xoay xuất hiện các quán tạp hóa che chắn, họp chợ vào buổi sáng sớm hoặc chiều gây khó khăn khi lưu thông qua khu vực này. Trên tuyến đường Quốc lộ N2 (đoạn xã Mỹ Đông đến nội ô thị trấn Mỹ An) ven đường xuất hiện các chòi lá cất tạm để bán hạt sen, gương sen, nước uống đóng chai. Người dân vãng lai khi di chuyển trên tuyến đường này thường dừng chân ghé mua các sản vật địa phương, dẫn đến tình trạng dừng xe đột ngột ngay dưới lòng đường. Không chỉ xe gắn máy, xe ô tô cũng thản nhiên đậu và mua bán ngay dưới lòng đường. Ông Nguyễn Văn Hữu ngụ tại ngã ba An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tôi thường đi đường này về Đường Thét, Ba Sao. Tôi thấy lúc trước xe ít, giờ xe lớn nhiều. Đường hẹp, người đông nên các lều che để bán hàng khiến tôi khó quan sát, nếu có xe ô tô đậu phía trước tôi muốn vượt qua mặt cũng rất khó để né tránh...”. Tình trạng bày bán hàng đã tái diễn nhiều lần, Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Tháp Mười cùng các đơn vị liên quan cũng đã phối hợp nhắc nhở các trường hợp dựng lều quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên sau thời gian nhắc nhở, tình trạng trên lại tiếp tục tái diễn.

Bên cạnh đó, nguy cơ đáng báo động hiện nay là tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh trên các phương tiện tự chế gây nguy hiểm cho người và phương tiện trên các tuyến lộ nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ. Tại bến phà Cao Lãnh, tầm 5 giờ sáng hoặc 6 giờ chiều xuất hiện tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh với các loại như: quần áo may mặc, ống tuýp sắt, kiếng nhôm... Có người còn cải tiến chiếc xe của mình thành một phương tiện chuyên chở cả một gian hàng quần áo để đến bán tại các chợ nông thôn. Khi những phương tiện này di chuyển xuống đò, phà hay khi di chuyển trên đường rất dễ che khuất tầm nhìn của các phương tiện khác. Anh Nguyễn Văn Trinh ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười kể: “Tôi bị gãy xương đòn do va quẹt với chiếc xe ba gác chở đồ rẫy. Khi tôi lái xe vượt lên phía trước thì va chạm với phần sau của xe, tôi được người dân đưa vô bệnh viện, còn người lái xe ba gác chở đồ thì chạy mất...”.

Hiện nay, một số địa phương có tuyến quốc lộ như huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, TP.Cao Lãnh đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, cụ thể là các lỗi như: chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, dừng đỗ xe trái quy định, chở quá tải, quá khổ, vi phạm về nồng độ cồn; phân công thành viên Ban ATGT huyện phụ trách công tác đảm bảo trật tự ATGT tại các địa bàn cụ thể.

Tại huyện Cao Lãnh, tất cả các xã, thị trấn đều được giao nhiệm vụ cụ thể như: lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ tổ chức có hiệu quả việc giáo dục pháp luật về trật tự ATGT vào chương trình giảng dạy chính khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp; chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị trường phối hợp với phụ huynh học sinh, giáo viên, địa phương đảm bảo trật tự ATGT ở khu vực cổng trường đối với các trường ven trục đường giao thông chính, đồng thời phụ trách công tác đảm bảo trật tự ATGT tại xã Phong Mỹ. Các hội đoàn thể huyện phụ trách ATGT tại các xã An Bình, Nhị Mỹ, Phương Trà, Ba Sao...

Đối với Ban ATGT tỉnh, ngay sau Tết đã tập trung kiểm tra, xử lý các loại xe thô sơ, máy kéo, xe tự chế, xe lôi hoạt động trên địa bàn nông thôn; xe mô tô ba bánh hoạt động trên các địa bàn thị xã, thành phố, các thị trấn và trên các tuyến quốc lộ; xử lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn đường bộ để kinh doanh, buôn bán dịch vụ, làm mặt bằng sản xuất, nơi để xe, rửa xe, trông giữ xe; kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xây dựng nhà cửa, lều quán và các công trình xâm hại kết cấu hạ tầng giao thông, lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; xóa bỏ các điểm đấu nối, các đường dân sinh trái phép trên đường bộ.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn