Vô tư “nhả” khói

Cập nhật ngày: 17/02/2017 10:24:37

ĐTO - Hiện nay tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng như chợ, trạm xe buýt, quán cà phê, nhà hàng... trở nên phổ biến. Đến một số quán cà phê tại TP.Cao Lãnh, Tháp Mười, huyện Cao Lãnh... vào buổi sáng sớm sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người cầm trên tay điếu thuốc lá và sẵn sàng nhả khói, bất kể ảnh hưởng đến người khác. Đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, tuy nhiên việc xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Ảnh minh họa (nguồn internet)

Điều đáng nói là tình trạng người hút thuốc lá tại nơi công cộng đa dạng các thành phần, từ cán bộ, công chức, viên chức đến lao động phổ thông. Anh Nguyễn Văn Phước ngụ khóm II, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Tôi bỏ thuốc 8 lần, nhưng không bỏ được, uống cà phê là phải hút thuốc, quen rồi, bỏ được 2-3 ngày, bạn bè mời là cầm điếu thuốc hút lại. Nhiều lúc nói bỏ thuốc, nhưng đi làm ăn, người ta lấy thuốc ra mời, để vui lòng người mời, tôi hút tiếp...”. Chú Lê Văn Hùng ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An cũng chia sẻ: “Trước đây, tôi có hút thuốc nhiều, sau đó bị bệnh một thời gian nên bỏ hút thuốc. Giờ tôi đã hút lại, cũng muốn bỏ nhưng chưa bỏ được...”. Theo chủ quán cà phê tại khu vực khóm II, thị trấn Mỹ An thì đa số khách nam vào quán uống nước thường kêu kèm thuốc lá. Dù giá thuốc không hề rẻ, từ 1.000 đồng - 1.200 đồng/điếu nhưng nhiều người hút từ 5 - 10 điếu thuốc, thậm chí cả gói là bình thường. Khi hút thuốc, họ vô tư phà khói, vứt tàn thuốc lung tung dưới sàn gạch...

Đa số người nghiện thuốc biện minh cho việc hút thuốc với nhiều lý do như: không hút thuốc đầu óc không minh mẫn, lạnh trong người, hút thuốc để giữ dáng, bỏ thuốc sẽ dễ tăng cân... những lý do này khiến những người nghiện thuốc lá vẫn duy trì thói quen. Có người dù đang làm các công việc như sơn xe, sửa bếp gas, sửa máy, tủ lạnh... vẫn phì phèo điếu thuốc, bất chấp nguy cơ cháy nổ. Chị Nguyễn Mỹ Phụng ngụ đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Ra quán nhậu, quán cà phê bị hít khói thuốc lá là bình thường. Có người ngồi hút thuốc cách mình gần 1m, khói bay mù mịt, nhưng họ đốt hết điếu này đến điếu khác, có khi nhóm 3,4 người cùng hút. Có khi họ phà khói thuốc vào người khác nhưng không thấy ai nhắc nhở hay xử phạt gì. Hít thuốc kiểu này về lâu dài thế nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe...”.

Tại Đồng Tháp từ năm 2009, đã triển khai thí điểm mô hình cộng đồng không khói thuốc do Hội Y tế công cộng chủ trì. Hiện các mô hình vẫn duy trì hiệu quả, chủ yếu tại các cơ sở giáo dục, y tế, cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc hút thuốc lá hiện nay có chiều hướng tăng tại các địa điểm công cộng. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong; hướng đến việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại cơ quan, điểm tham quan du lịch, phương tiện giao thông công cộng, một số địa điểm công cộng... Ngoài việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức người dân, việc vận động đơn vị gắn biển báo, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cũng được thực hiện. Công an, Quản lý thị trường, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng phối hợp xử lý các cá nhân, cơ sở kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp. Hiện nay, việc xử lý vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với các điều vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, vi phạm quy định về bán thuốc lá với mức phạt từ 100 ngàn đồng đến 10 triệu đồng. Được biết, hiện nay, việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp; đối với việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa thực hiện, điều này đã  ảnh hưởng sức khỏe người hút thuốc lá thụ động. Do vậy, việc xem xét và vận dụng các biện pháp ngăn chặn tình trạng này là rất cần thiết.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn