Tháp Mười

Quan tâm hỗ trợ người nghèo

Cập nhật ngày: 26/08/2015 12:03:55

Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Tháp Mười đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch trên các lĩnh vực: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hỗ trợ vốn vay, giúp nhiều người nghèo có cơ hội vươn lên, thoát nghèo bền vững.


Nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện

Cuối năm 2010, toàn huyện có 3.816 hộ nghèo. Để giúp người dân thoát nghèo, UBND huyện chú trọng công tác đào nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Thực hiện đề án của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, UBND huyện kết hợp Trường Trung cấp nghề Tháp Mười, các hội đoàn thể địa phương từ huyện đến cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học nghề. Qua đó đã mở được 201 lớp đào tạo nghề và dạy nghề nông thôn với các nghề: may công nghiệp, điện, hàn, cơ khí, đan lục bình, sửa máy phun xịt, chăn nuôi, thợ hồ... với tổng số 6.012 lao động tham gia, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện từ 35,49% năm 2010 lên 43,41% tính đến 6/2015.

Các hội đoàn thể, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện chủ động nắm thông tin tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp ở Tháp Mười. Huyện đã giới thiệu cho nhiều lao động làm việc tại Công ty Tỷ Thạc, Sao Mai, Khánh Linh và Công ty điện tử ở tỉnh Tiền Giang, Công ty Phát Tiến ở huyện Cao Lãnh. Từ năm 2010 đến nay đã giới thiệu cho trên 23.500 lao động đi làm việc. Năm 2014, tỉnh khởi động lại chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài có thời hạn, huyện đã chủ động tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua hội đoàn thể: có 38 lao động đã xuất cảnh, 88 lao động đang học định hướng. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có 107 lao động xuất cảnh.

Các đoàn thể cơ sở như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân còn tổ chức các mô hình: 3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo, tổ phun xịt lúa, tổ sửa chữa máy phun xịt, tổ công nhân xây dựng, tổ đan lục bình, tổ liên kết tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ,... Các mô hình này đã tạo việc làm tại địa phương cho người lao động, giúp họ có thu nhập ổn định. Từ các giải pháp hỗ trợ, trung bình mỗi năm huyện giới thiệu cho khoảng trên dưới 4.500 lao động.

Ngoài ra, huyện cũng tích cực xem xét, giúp đỡ người dân được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện từ năm 2011 đến nay, huyện đã giải ngân trên 20 tỷ đồng cho các hộ cận nghèo, hộ nghèo làm kinh tế: chăn nuôi heo, gà, vịt, làm vốn mua bán các sản phẩm từ lục bình... để thoát nghèo. Hàng năm, các địa phương mở hội nghị về công tác giảm nghèo, mời các hộ nghèo, cận nghèo đến để họ nói lên tâm tư, nguyện vọng và trình bày kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay trong làm kinh tế gia đình. Nhờ đó, việc cho vay của huyện luôn đúng đối tượng, đúng nhu cầu và mục đích sử dụng nên nguồn vốn mang lại hiệu quả. Theo Phòng LĐTB&XH, bình quân từ năm 2010 đến nay, huyện Tháp Mười thoát nghèo 2%/năm (cuối năm 2010 hộ nghèo của huyện 11,97%, đến cuối năm 2014 là 3,66%), hiện tại còn 1.246 hộ nghèo và 1.074 hộ cận nghèo.

“Huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động theo kế hoạch đề ra; tạo điều kiện cho công ty, doanh nghiệp đến địa phương tư vấn về việc làm; nhân rộng những mô hình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao, phù hợp với trình độ lao động tại địa phương như: mô hình cho vay tổ hợp tác gia công và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, mô hình nuôi ếch, ba ba, mô hình tổ phun xịt thuốc, mô hình 2 hộ giàu giúp 1 hộ nghèo... Các xã, thị trấn trong huyện tiếp tục tư vấn, vận động lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các nước: Nhật, Đài Loan, Malaysia...” - ông Võ Văn Bé Tư, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Tháp Mười nói.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn