Chuyện “con chuột”

Cập nhật ngày: 26/08/2015 05:54:04

Xứ mình nổi tiếng về con chuột, nếu không sao lại có thương hiệu “Chuột đồng Cao Lãnh” mà ai ai cũng biết đến? Người quê mình sáng tạo ra biết bao cách bắt chuột và cũng biết bao món ngon chế biến từ thịt chuột. Một chút vui, một chút tự hào khi người xứ lạ nhắc đến món chuột Đồng Tháp, chuột đồng Cao Lãnh! Mà thật ra, chuột đâu chỉ ở xứ sở Sen hồng mới có! Lục tìm trong ca dao, tục ngữ thấy có hai câu vui vui:

“Cần chi cá lóc, cá trê

Chuột đồng Cao Lãnh ăn mê hơn nhiều!”

Bâng quơ vài mẩu chuyện như vậy là để mở đầu câu chuyện khác về “con chuột mà hổng phải con chuột”. Đó là nói về con chuột, một thiết bị ngoại vi của máy vi tính, tiếng Anh đặt tên là “mouse” - tức là con chuột!

Ai đó nói rằng, nhiều người cả đời ăn thịt chuột, nhưng lại sợ cầm lấy con chuột - “mouse”! Đó là họ nói gần, nói xa đến những người còn ngại ngùng khi sử dụng máy vi tính, hay nói rộng ra là còn e dè với một thành tựu vĩ đại của nhân loại - công nghệ thông tin.

Người ta nói, nếu “cái cuốc” là biểu tượng của thời đại nông nghiệp, “nhà máy” là biểu tượng của thời đại công nghiệp, thì biểu tượng của thời đại ngày nay, thời đại kinh tế tri thức chính là “cái máy vi tính”. Và từ máy vi tính, con người lại còn phát minh ra internet - một thành tựu vĩ đại của nhân loại - không gian mạng với những tính năng làm thay đổi toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nhân loại này. Tính hữu dụng và những tiện ích của công nghệ thông tin đã tác động vào mỗi người, từng gia đình, công sở, hệ thống tổ chức và cả thế giới bao la rộng lớn này. Cách thức lưu trữ dữ liệu và truyền dẫn thông tin nhờ có công cụ này mà chính xác hơn, nhanh chóng hơn, hầu như ngay lập tức, cùng một thời điểm có thể gửi, nhận và chia sẻ với nhiều người; có thể kết nối con người với đám đông, với cả thế giới rộng lớn, mà không còn lệ thuộc không gian, thời gian. Người ta nói “thế giới phẳng” là như vậy đó! Với cách thông tin bằng ngựa chạy trạm ngày xưa thì hệ thống khác với thông tin bằng điện thoại. Với hệ thống truyền thông và lưu dữ liệu bằng hệ thống tin học hiện đại thì mối quan hệ lại càng phải khác đi.

Ngày nay, nói đến “Xa lộ thông tin” không phải để nói đến con đường cao tốc để đi, mà là mượn thuật ngữ của ngành giao thông, vì “vật” đi trên “xa lộ’’ này là “thông tin” nên gọi là “xa lộ thông tin’’ - một con đường chuyển tải hệ thống phức hợp các thông tin với tốc độ cao. Xa lộ thông tin là một mạng lưới với rất nhiều thông tin được “chạy” trên đó, có khả năng liên kết các cơ quan, trường học, bệnh viện, ngân hàng, nhà máy..., thậm chí là cả các gia đình ở khắp nơi trên thế giới lại với nhau. Vậy, chợt nghĩ, người ta đang chạy vun vút trên “xa lộ” mà mình vẫn “đủng đỉnh” bước đi trên con “đường làng” thì làm sao nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng suất hơn thiên hạ được đây?

Chỉ nói riêng về cách làm việc “truyền thống” của chúng ta, với bao nhiêu là giấy tờ, chồng chất bao nhiêu là văn bản. Nào là soạn thảo, in ấn, rồi chuyển lên - chuyển xuống, chuyển qua - chuyển lại, rồi lưu rồi trữ. Nào là họp hội kiểu trên đọc dưới dò, có câu có kệ. Hổng biết từ bao giờ người ta ghép 2 thuật ngữ “quan liêu” với “giấy tờ” lại với nhau thành nạn “quan liêu giấy tờ” mà chúng ta đang hô hào phải thay đổi. Thế giới bây giờ có thể thu nhỏ lại trong một chiếc máy vi tính, làm việc trong không gian mạng bao la, mạng nội bộ, mạng địa phương, mạng quốc gia, mạng toàn cầu. Giảm giấy tờ, bớt họp hội chỉ bằng cách sử dụng công nghệ thông tin. Thiên hạ đã có văn phòng đi động, họp hội trực tuyến qua mạng rồi mà. Ngồi ở đâu người ta cũng mần việc được, cũng nắm thông tin được, cũng quyết định được rồi mà!

Đừng nói khẩu hiệu, hô hào suông. Mỗi người, trước hết là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, xắn tay áo “cầm chuột” lên, rồi sẽ thấy quen dần, sẽ thấy hào hứng, sẽ thấy tiếc rẻ vì bao năm qua mình đã bỏ qua một công cụ làm thay đổi chính mình, tổ chức của mình, hệ thống của mình. Nghị quyết, chỉ thị của Đảng có rồi; đề án, kế hoạch của các ngành các cấp cũng có rồi, sao hổng mần?. Cả thiên hạ mần được, cụ già mần được, con cháu trong nhà cũng mần được thì hà cớ gì mình hổng mần được? Bây giờ “chuột” cũng dần bị thay thế bằng màn hình cảm ứng tương tác rồi. Cũng tương tự như thiên hạ đã từ lâu lắm rồi không còn xem công nghệ thông tin chỉ là công cụ làm việc, mà đã xem nó là nền tảng của sự phát triển rồi!

Hổng lẽ minh chịu lạc hậu sao ta? Nào, cùng cầm “chuột” lên!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn