Nơi tìm lại cuộc đời của những bước chân lầm lỡ

Cập nhật ngày: 31/07/2015 11:57:14

Với sứ mệnh giúp những người lỡ sa vào con đường nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, hơn 30 năm ra đời và hoạt động, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội (CBGDLĐXH) Đồng Tháp thực sự đã trở thành ngôi nhà chung để những người không may lầm lỡ tìm lại mình sau những phút giây nông nổi.


Các học viên thi làm lông mi giả

Tiền thân của Trung tâm là Trại Phục hồi nhân phẩm (giáo dục các đối tượng mại dâm, ma túy, cờ bạc,...), thành lập năm 1982, qua nhiều lần đổi tên và di dời, nay là Trung tâm CBGDLĐXH Đồng Tháp, nằm trên địa bàn xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Hơn 30 năm hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và cai nghiện cho hàng ngàn người. Sau 2 năm cai nghiện đối với đối tượng bắt buộc và 6 tháng đến 1-2 năm đối với đối tượng tự nguyện, các học viên (HV) cai nghiện đã lần lượt được trở về gia đình, đa số đã tự tin hòa nhập xã hội.

Hiện tại, Trung tâm đang chữa bệnh và giáo dục cho 40 HV nghiện ma túy, trong đó có 27 HV thuộc đối tượng bắt buộc, 3 HV thuộc đối tượng sau cai nghiện và 10 HV thuộc đối tượng tự nguyện. Với tình thương và trách nhiệm trong công tác của 25 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của Trung tâm, các HV đã có những chuyển biến đáng mừng về sức khỏe và cả về nhân cách.

Em Phạm Minh D., 22 tuổi (ngụ huyện Lấp Vò) là đối tượng bắt buộc cai nghiện. D. học hết lớp 10, nghe lời bạn xấu tụ tập ăn chơi, hít ma túy đá mà không hề biết tác hại của loại thuốc gây nghiện này. Trong một lần tụ tập hít ma túy đá, D. bị công an bắt đưa đi cai nghiện. Hơn 19 tháng vào Trung tâm, được sự hỗ trợ và giáo dục của các cô, chú, D. đã cắt được cơn nghiện và hối hận vì việc làm dại dột của mình. D. bộc bạch: “Em hứa sẽ không phụ lòng các cô, chú ở Trung tâm đã dạy dỗ, giúp đỡ em. Khi về nhà, em sẽ học nghề, sau đó kiếm chỗ làm ổn định, em sẽ cố gắng làm, không để thời gian trống rồi đi chơi và sa ngã nữa. Em sẽ sống có ý nghĩa để ba mẹ được vui lòng và mọi người thương mến mình”.

Còn anh Nguyễn Quốc D., 33 tuổi (ngụ TP.Sa Đéc), hơn 20 tháng vào Trung tâm, sau những lần đau đớn, vật vã trong cơn thèm thuốc, giờ đã cắt được cơn nghiện, ổn định sức khỏe và hơn hết anh đã có được quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh Quốc D. tâm sự: “Tôi có vợ và con gái đang học lớp 8. Trước đây, tôi làm công nhân ở một công ty thức ăn thủy sản ở Sa Đéc, chỉ vì buồn do cãi vã với vợ, tôi đã nghe theo lời bạn bè hút ma túy để qua cơn buồn, rồi bị nghiện lúc nào không hay. Tôi bị bắt đưa đi cai nghiện. Vợ tôi phải đi Sài Gòn làm, con tôi ở với ông, bà nội. Gia đình tan nát, tội nhất là con gái tôi. Giờ đây, tôi hiểu được tác hại của ma túy, nó không những hại sức khỏe mà ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Khi về với gia đình, tôi sẽ tìm việc làm phụ vợ nuôi con, tránh xa những người bạn cũ để không bị cám dỗ”.

Có được kết quả đáng mừng ở mỗi HV là kết quả của cả quá trình lao động đầy trách nhiệm và trên hết là tình yêu thương của các CBCNV dành cho các HV. Mỗi CBCNV Trung tâm không chỉ là người thầy mà còn là người bạn biết lắng nghe, quan tâm và chia sẻ những vui buồn với HV, khơi dậy trong họ ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình, từ đó quyết tâm học tập, rèn luyện ngày một tốt hơn. Cô Nguyễn Thị Thu Dung - Trưởng Phòng Y tế, Phục hồi sức khỏe, Trung tâm CBGDLĐXH, người trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ các HV cắt cơn nghiện chia sẻ: “Giai đoạn cắt cơn nghiện là khó khăn nhất, nếu không có sự kiên trì, tận tâm, tận lực của người cán bộ và sự nhẫn nại của HV thì HV khó mà vượt qua được. Do đó, các CBCNV ở Trung tâm phải hết sức tâm huyết với nghề mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Ông Dương Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm CBGDLĐXH cho biết, sau khi cắt cơn nghiện, Trung tâm phân loại đối tượng để giáo dục và chữa bệnh cho phù hợp. Đặc biệt, Trung tâm còn dạy nghề cho các HV như: dệt chiếu, làm lông mi giả, đan nghế nhựa, giỏ nhựa,... Sau giờ học, các HV còn được tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao, được chăm lo đời sống tinh thần, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Việc dạy nghề cho HV nhằm giúp nâng cao hiệu quả cai nghiện cho HV. Đây không chỉ là hình thức lao động trị liệu mà còn là phương pháp giáo dục ý thức trân trọng thành quả lao động cho HV; trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để họ có cơ hội ổn định cuộc sống khi tái hòa nhập cộng đồng.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn