THÁP MƯỜI

Hiệu quả hoạt động tư vấn, chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Cập nhật ngày: 18/10/2016 10:11:01

ĐTO - Tại 13 xã, thị trấn của huyện Tháp Mười đều có Ban Bảo vệ trẻ em (TE) hoạt động hiệu quả với sự tham gia của 126 cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình kiêm nhiệm công tác bảo vệ, chăm sóc TE.


Trẻ em đến trường trong năm học mới

Từ năm 2011-2015, Ban Bảo vệ TE tại các xã, thị trấn cùng đội ngũ cộng tác viên đã tiếp cận, thu thập thông tin, hỗ trợ giúp đỡ 56 TE. Ngoài ra, huyện Tháp Mười cũng triển khai mô hình điểm về phòng ngừa, trợ giúp TE bị xâm hại tình dục, bạo lực, trợ giúp trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ lang thang, lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Em Nguyễn Văn Hoàng (9 tuổi) ngụ cụm dân cư thị trấn Mỹ An, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha làm phụ hồ, mẹ bán vé số. Mỗi ngày sau giờ học, em cũng đi bán vé số. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của địa phương, nhà trường nên Hoàng vẫn duy trì việc học. Hoàng cho biết: “Nhà nghèo nên em đi học được giảm học phí, được mượn sách, được tặng tập, quần áo. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa...”.

Thực hiện các chương trình liên quan đến TE, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường triển khai phối hợp chính quyền địa phương huy động học sinh (HS) ra lớp, tặng quà, hỗ trợ học bổng, tập sách cho HS nghèo vào đầu năm học; thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”; khuyến khích các cán bộ phụ trách phong trào trường học tạo sân chơi, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ; nhân rộng các điểm tư vấn học đường nắm bắt thông tin liên quan đến vấn đề bạo lực TE trong học đường... Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành tổ chức 15 cuộc truyền thông, tư vấn tại 13 xã, thị trấn về các kiến thức bảo vệ TE cho gần 500 gia đình TE thuộc hộ nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tập huấn cho gần 500 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc TE, cộng tác viên, tình nguyện viên nắm vững các quy trình can thiệp, trợ giúp TE bị xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích... Những hoạt động trên đã góp phần hỗ trợ 80% TE khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; 97% TE bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được hỗ trợ; 100% trẻ bị phát hiện xâm hại tình dục, TE bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp...

Các em dễ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do hoàn cảnh gia đình nghèo, cha mẹ ly thân, ly hôn; sống với người thân, phải lao động kiếm sống sớm. Ngoài ra, hoạt động giám sát, quản lý tiếp cận TE của cán bộ xã, thị trấn vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến việc can thiệp chậm một số các trường hợp liên quan đến TE. Do vậy, để bảo vệ TE, UBND huyện tiếp tục thực hiện chương trình bảo vệ TE giai đoạn 2016-2020, tập trung vào các hoạt động tư vấn truyền thông bảo vệ TE qua việc phát tờ rơi, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học, hộ gia đình; tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác TE được học tập kinh nghiệm về kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến bảo vệ TE; quan tâm trợ giúp kịp thời nhóm TE có hoàn cảnh đặc biệt; đấu tranh phòng ngừa tội phạm xâm hại TE; áp dụng quy trình điều tra thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn