Hãy tạo cho mình thói quen nói lời “Xin lỗi” và “Cám ơn”

Cập nhật ngày: 19/11/2014 13:21:09

Trong cuộc sống, để nói “xin lỗi” hay “cám ơn” hoàn toàn không phải là một việc quá khó khăn. Biết nói lời cám ơn và xin lỗi là một tiêu chí đánh giá phẩm chất và văn hóa của mỗi cá nhân, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Thế nhưng những từ ngữ rất đỗi gần gũi và bình dị ấy đã dần dần trở nên xa lạ với mỗi người chúng ta.


Hãy tạo thói quen nói lời cảm ơn với người đã giúp mình đó là
cách ứng xử của người có văn hóa

Từ khi bập bẹ biết nói, biết nhận thức, chúng ta đã được cha mẹ, người lớn dạy nói lời cám ơn khi nhận được quà, xin lỗi khi làm hỏng đồ của người lớn. Lớn lên đến trường, thầy cô giáo dạy biết nói lời cám ơn khi được sự giúp đỡ, xin lỗi khi mắc sai lầm. Lời cám ơn hay xin lỗi không chỉ trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ, và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn mà còn đem đến niềm vui tới người nhận. Chị NguyễnThị G, phụ quán ăn ở phường 4 chia sẻ: “Dẫu biết mình được thuê bưng cơm nước phục vụ khách và đó là nhiệm vụ nhưng mỗi lần mang đồ ăn cho khách, nghe khách nói cám ơn, tự dưng thấy vui và làm việc phấn chấn hơn”.

Thế nhưng hiện nay, người ta, nhất là những bạn trẻ ngày càng ít nói cám ơn và xin lỗi với nhau. Những lời cám ơn, xin lỗi càng ngày càng thiếu đi trong cuộc sống xã hội. Không ít trường hợp, nhiều người ra đường hỏi đường bác xe ôm nhưng lại quên mất lời cám ơn khi đã biết đường, đánh rơi đồ vật trên đường người khác nhặt dùm lại quên cám ơn, đi siêu thị chú bảo vệ dắt xe dùm không tiếng cám ơn, ung dung lên xe nổ máy,... Nhiều bạn nghĩ đó là công việc của người ta, họ trả tiền để làm như vậy nhưng bạn lại quên là họ cũng đang giúp bạn đó thôi. Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Nhiều người nghĩ những chuyện đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý mà không biết lời cám ơn trong tình huống đó là cần thiết như thế nào.

Nhiều người còn cho rằng những điều đó là một sự khách khí và đôi khi giả tạo và ai cũng “ngài ngại”. Thiết nghĩ, đó là việc làm hết sức văn minh, không việc gì chúng ta phải “ngại”.

Chúng ta cũng được dạy nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương đến ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác. Lời xin lỗi được nói ra làm cho người được xin lỗi cũng cám thấy thoải mái và dễ tha thứ hơn. Vậy mà khi lên xe buýt vô tình “đụng chạm” đến người khác, tuy rằng không ảnh hưởng nhiều lắm nhưng vẫn rất nhiều bạn “lờ đi” lời xin lỗi.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử hay do lối sống công nghiệp làm thay đổi,... Song vẫn còn một nguyên nhân nữa là lâu nay như một thói quen, thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cám ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cám ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cám ơn hay xin theo chiều ngược lại. Trong giao tiếp xã hội, nhất là trong giao tiếp nơi công cộng, người lớn tuổi hơn ít khi nói lời xin lỗi hay cám ơn cho dù họ nhận được sự giúp đỡ, hay hành vi của họ gây phiền phức cho người khác. Các em nhỏ khi nhận được sự giúp đỡ hay sau khi mắc lỗi thường không ngần ngại nói lời xin lỗi hay cám ơn, nhưng càng lớn lên thì thói quen này dường như đã mất dần. Các em học nói lời cám ơn và xin lỗi không chỉ qua bài học giáo dục công dân trên lớp, lời dạy bảo của cha mẹ, mà còn học trực tiếp qua tấm gương của những người lớn.

Lời “cám ơn” và “xin lỗi” tưởng rằng quá nhỏ bé nhưng đó là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, là một hành động cần thiết trong những mối quan hệ giao tiếp hằng ngày, là “kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp” mà chúng ta nên gìn giữ.

BÍCH LIỄU

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn