Phụ nữ xã An Phú Thuận chung tay bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 17/11/2014 13:37:41

Dù chỉ mới triển khai thực hiện hơn 2 tháng nay (8/9/2014), nhưng mô hình “Tổ phân loại và xử lý rác sinh hoạt” (PLVXLRSH) tại gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Phú Thuận (huyện Châu Thành) phát động đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian sống sạch đẹp hơn ở địa bàn nông thôn.


Phân loại và xử lý rác tại nhà

Những năm gần đây, kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển, nhu cầu cho đời sống của người dân từng bước được nâng lên, theo đó rác thải nhiều hơn trong khi địa phương chưa tổ chức được việc thu gom rác thải, chưa có nơi tập kết rác, cộng với ý thức của người dân về môi trường còn hạn chế nên rác thải vứt bừa bãi trong khu dân cư, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Từ thực tế đó, Hội LHPN xã An Phú Thuận vận động thành lập Tổ PLVXLRSH tại gia đình, chọn ấp Hòa Thuận làm điểm, sau đó nhân rộng ra các ấp còn lại. Chị Cao Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã An Phú Thuận cho biết: “Bước đầu Hội LHPN xã xuống ấp Hòa Thuận phối hợp với Chi bộ, Ban Nhân dân ấp và các đoàn thể đến từng nhà vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và ích lợi của việc thành lập Tổ PLVXLRSH tại hộ gia đình. Qua đó, người dân thấy được lợi ích của việc tham gia vào tổ và đã có 50 hộ đăng ký tham gia làm tổ viên”.

Tham gia tổ PLVXLRSH, chị em tổ viên được hướng dẫn cách xử lý rác thải tại gia đình theo từng loại rác. Các loại rác hữu cơ thì bỏ vào hố chôn để làm phân bón; rác vô cơ như các loại vỏ chai, bao đựng thuốc trừ sâu được để xa khu vực dân cư sinh sống... Tùy theo điều kiện gia đình có thể đào hố chôn, đốt những loại rác hữu cơ như lá cây hay rác sinh hoạt...Còn rác không phân hủy được gồm: vỏ chai nhựa, túi nilon... có thể bán tái chế hoặc đem ra bãi rác tập trung.

 Từ khi thành lập đến nay, mô hình PLVXLRSH tại hộ gia đình đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên và quần chúng phụ nữ về ý thức bảo vệ môi trường. Các hộ gia đình đều thu gom và xử lý rác đúng nơi qui định, không vứt rác và xác súc vật xuống sông rạch, gia súc, gia cầm không chăn thả bừa bãi. Chị Huỳnh Thị Cúc - tổ viên Tổ PLVXLR cho biết: “Ở khu vực nông thôn không có xe thu gom rác, trước đây rác thải sinh hoạt của gia đình vứt lung tung. Từ khi tham gia Tổ PLVXLR, tôi tiến hành phân loại rác tại gia đình. Ở nhà, tôi thường phân các loại rác là vỏ chai nhựa, sắt vụn để bán phế liệu, có thêm nguồn thu nhỏ...”.

Đánh giá hiệu quả mô hình, chị Trần Ngọc Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành nhận định: “Mỗi hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình này với 2 thùng đựng rác thải tại nhà để phân loại, xử lý rác bảo vệ môi trường. Rác hữu cơ được bà con ủ lại để bón cho cây trồng, làm thức ăn cho tôm, cá. Các loại bao bì ni lông, chai nhựa được bà con phân loại và tái sử dụng. Sắp tới, Hội LHPN huyện sẽ đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện”.

Cách PLVXLRSH của các hộ gia đình đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống trong lành hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do một số hộ không có đất đào hố chôn nên rác chủ yếu được đốt nơi triển khai mô hình không có điểm thu gom rác tập trung nên các hộ dân phải tự đem ra bãi rác của xã rất tốn công...

P.L

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn