Bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử Nam bộ và hò Đồng Tháp: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả

Cập nhật ngày: 12/11/2014 12:34:56

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) được khởi xướng, hình thành trên vùng đất Nam bộ khoảng giữa thế kỷ XIX. Hò Đồng Tháp xuất hiện đầu thế kỷ XIX, phát triển cực thịnh và trở thành điệu hò nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, do môi trường diễn xướng và môi trường xã hội biến đổi, hò Đồng Tháp dần bị mai một. Gần đây, dù ngành chức năng đã mở nhiều lớp tập huấn ĐCTT và hò Đồng Tháp ở tỉnh và tại một số huyện, thị như: TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự,... nhưng nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy giá trị hai loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là hò Đồng Tháp vẫn còn nhiều khó khăn.


Một buổi biểu diễn hò Đồng Tháp tại TP.Cao Lãnh​

Từ lâu, ĐCTT và hò Đồng Tháp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ và đều khắp, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa - văn nghệ của nhân dân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ĐCTT và hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Nhiều năm qua, phong trào ĐCTT và hò Đồng Tháp trong tỉnh đã được khơi dậy bằng các hội thi, liên hoan, kiểm kê, sưu tầm, tập huấn, phát động sáng tác, tổ chức giao lưu,... qua đó phát hiện nhiều nghệ sĩ, diễn viên giỏi nghề cung cấp cho các sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Qua kết quả kiểm kê di sản nghệ thuật ĐCTT năm 2012, tỉnh có 195 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT với 2.242 người có khả năng thực hành ĐCTT, 13 người có khả năng truyền dạy loại hình này; năm 2013 đã phát triển lên 251 CLB với gần 3 ngàn người, trong đó có 59 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Hầu hết các CLB ĐCTT đều có quyết định thành lập và tổ chức sinh hoạt định kỳ thường xuyên ở các trung tâm văn hóa cấp tỉnh, huyện, các cơ quan, các hội, đoàn thể, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng,... Về hò Đồng Tháp, từ năm 1992, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang cùng các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu điệu hò Đồng Tháp. Năm 2010, tỉnh đã hoàn thành công trình khoa học “Sưu tầm - Nghiên cứu - Phục hồi điệu hò Đồng Tháp” do nhạc sĩ Cao Văn Lý và Nguyễn Kim Cúc thực hiện. Sau đó đã tổ chức mở các lớp tập huấn hò Đồng Tháp ở tất cả huyện, thị, thành trong tỉnh. Sau các lớp tập huấn này, tỉnh có hơn 300 người tuổi còn trẻ đã có thể hò và viết lời mới cho hò Đồng Tháp, mang lại sức sống mới cho điệu hò xưa. Tuy nhiên, trong tỉnh hiện nay số người biết hò đúng điệu hò Đồng Tháp và số nghệ nhân giỏi nghề, chơi đúng bài bản, phong cách nhạc tài tử không nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do môi trường diễn xướng đã thay đổi, hò Đồng Tháp và ĐCTT chỉ tồn tại ở dạng truyền nghề, chủ yếu với hình thức gia đình, nhóm sở thích, CLB hoặc tham dự các lớp tập huấn ngắn hạn do ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, hiếm có người được đào tạo chính quy, trường lớp, bài bản nên sự mai một nghề nghiệp của hò Đồng Tháp và ĐCTT trước áp lực của nhiều loại hình nghệ thuật khác là điều không tránh khỏi.

Nghệ thuật ĐCTT và hò Đồng Tháp ra đời trên cái nền vững chắc của dòng âm nhạc dân gian và trở thành một bộ phận của nền âm nhạc truyền thống của dân tộc. Vì thế, việc tìm ra những phương thức, mô hình và giải pháp hoạt động có hiệu quả 2 loại hình nghệ thuật này để vừa bảo tồn, vừa phát huy và khai thác bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc là một việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay. Theo Sở VH,TT&DL, để bảo tồn và phát huy giá trị 2 loại hình nghệ thuật này, vừa qua, Sở đã lập dự thảo kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và hò Đồng Tháp giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh, dự thảo kế hoạch đã trình UBND tỉnh và Bộ VH,TT&DL. Đây là kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2020 (chia làm 2 giai đoạn) sẽ xây dựng mô hình CLB điểm, thành lập và tổ chức hoạt động CLB ĐCTT và hò Đồng Tháp cấp huyện, tiến tới thành lập CLB ĐCTT và hò Đồng Tháp cấp xã và ấp; mở các lớp tập huấn, truyền dạy và thực hành ĐCTT và hò Đồng Tháp trong cộng đồng, địa phương; tổ chức định kỳ “Liên hoan không gian nghệ thuật ĐCTT và hò Đồng Tháp” cấp tỉnh, cấp huyện; phát động các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 Bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ, bài ca vọng cổ và hò Đồng Tháp; phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động phát triển du lịch thông qua thực hành, trình diễn ĐCTT và hò Đồng Tháp. Ngoài ra sẽ nghiên cứu tạo không gian diễn xướng phù hợp để tổ chức mô hình hoạt động CLB ĐCTT và hò Đồng Tháp gắn với hoạt động của các khu, điểm du lịch trong tỉnh; tổ chức quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của nghệ thuật ĐCTT và hò Đồng Tháp ở trong nước và bạn bè quốc tế,...

HỮU NGHĨA

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn