Gia tăng tuổi thọ có thực sự là gia tăng sức khỏe?

Cập nhật ngày: 16/10/2023 15:23:38

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231016032439DT2-9.mp3

 

ĐTO - Cùng với sự phát triển của thời đại, nền y học cũng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc nên tuổi thọ của con người được kéo dài thêm. Theo Bộ Y tế, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.


Số lượng bệnh nhân đến khám tại các Trung tâm Y tế luôn quá tải

Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, trong 15 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi. Tuy nhiên, sang đến năm 2021, tuổi thọ trung bình đã giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chương trình tiêm chủng mở rộng là một thành công của mạng lưới y tế cơ sở. Việt Nam đã thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt năm 2000 và loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. Kết quả về các chỉ tiêu sức khỏe, có sự đóng góp quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở.

Bên cạnh các thành công, việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân cũng còn nhiều tồn tại, bất cập, đó là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2, tuy nhiên, số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Theo Bộ Y tế có một số yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao:

Thứ nhất, do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý ảnh hưởng đến phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng.

Thứ hai, sự gia tăng nhanh của bệnh không lây nhiễm. Kết quả điều tra của Bộ Y tế (năm 2021) có 20,8% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc, bao gồm 41,1% nam giới và 0,6% nữ giới, khoảng 1/3 dân số (37,3%) đã từng tiếp xúc với khói thuốc; gần 2/3 nam giới (64,2%), 1/10 nữ giới (9,8%) hiện có uống rượu, bia, khoảng 14,7% số người uống rượu, bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên) và tỷ lệ này ở nam giới (28,5%) cao hơn nhiều lần so với nữ giới (1,0%).

Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất (tương đương với 400g) mỗi ngày. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày. Trong khi đó mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực. Gần 1/5 dân số bị thừa cân (BMI >25kg/m2).

Nhìn chung, 15,3% dân số từ 40-69 tuổi có nguy cơ cao >20% trong vòng năm tới bị các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chỉ có 40,8% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh. Số liệu về mô hình tử vong cũng cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ trọng cao nhất, 73,66% số ca mắc và 78,6% số ca tử vong năm 2020.

Qua đó cho thấy, người Việt Nam chưa thật sự được hưởng trọn vẹn tuổi thọ kéo dài, phải gắn liền với bệnh tật. Do điều kiện môi trường bị ô nhiễm, người dân nhiều nơi còn chưa tiếp cận được chăm sóc y tế hoặc nhận được không đầy đủ. Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có yếu tố chủ quan là ý thức tự chăm sóc bản thân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn