Cảnh báo nguy cơ đột quỵ từ các bệnh nền nguy hiểm

Cập nhật ngày: 07/10/2023 05:07:22

ĐTO - Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu  phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh những di chứng nặng nề.

Hiện số bệnh nhân đột quỵ đang có chiều hướng tăng, tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (BVĐKĐT) có gần 80 bệnh nhân. Bác sĩ cảnh báo những người có bệnh nền như: mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường, béo phì có thể là tác nhân làm xuất hiện mảng bám, cục máu đông khiến mạch máu bị tắc nghẽn gây đột quỵ.


Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Trường hợp của cụ Nguyễn Kim Trọng (91 tuổi) ở xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh vừa trải qua cơn đột quỵ. Biểu hiện ban đầu là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chân tay yếu. Chỉ sau 1 đêm, ông đã rơi vào hôn mê, được gia đình đưa đến bệnh viện. Đáng ngại là gia đình không để ý các dấu hiệu của đột quỵ, nên khi đưa bệnh nhân đến BVĐKĐT, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng lơ mơ, nhồi máu não bán cầu phải, dẫn đến liệt nửa người bên trái.

Bác sĩ CK2 Lê Thị Tố Oanh - Phó Trưởng Khoa Nội thần kinh BVĐKĐT, cho biết: “Những triệu chứng sớm của bệnh nhân đột quỵ là méo miệng, tay chân yếu, phát âm không rõ, nói đớ, nói khó khăn, đau đầu dữ dội, choáng váng, buồn nôn... Khi có dấu hiệu trên, người nhà gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều trị đột quỵ, kịp thời điều trị trong thời gian vàng, bệnh nhân sẽ giảm được nguy cơ tàn phế”.


Bác sĩ CK2 Lê Thị Tố Oanh - Phó Trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ

Nguyên nhân của đột quỵ là do máu lên não đột ngột bị gián đoạn với 2 dạng thường gặp là nhồi máu não (tắc mạch máu não) và vỡ mạch máu não. Bệnh nhân đột quỵ không được thăm khám sẽ để lại biến chứng yếu liệt, vận động kém, mất vận động, bệnh nhân nằm liệt lâu sẽ viêm phổi, viêm đường tiết niệu. Bệnh nặng xuất huyết não thì có thể tử vong.

 Bác sĩ CK2 Lê Thị Tố Oanh cho biết thêm: “Những yếu tố nguy cơ đột quỵ không thay đổi được là người lớn tuổi, người càng lớn tuổi rất dễ đột quỵ. Yếu tố hàng đầu dẫn đến đột quỵ là tăng huyết áp; khi huyết áp không được kiểm soát sẽ dẫn đến những tai biến nhồi máu não, xuất huyết não. Đái tháo đường, rối loạn lipit máu là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng đưa đến tình trạng đột quỵ như: hút thuốc lá, bệnh tim mạch, uống nhiều rượu bia, thừa cân, béo phì... Những yếu tố nguy cơ đó, nếu được tầm soát, điều trị sẽ kiểm soát tốt và ngăn chặn đột  quỵ”.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, đối với người dân, đặc biệt là người cao tuổi mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp nên tránh ra ngoài khi nhiệt độ cao. Kiểm tra huyết áp thường xuyên, tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị của bác sĩ, phải dùng thuốc đều đặn hằng ngày và lưu ý các tác dụng phụ để báo cáo kịp thời với bác sĩ. Tăng cường tập luyện thể dục; không hút thuốc lá, uống rượu. Quan trọng nhất là kiểm soát tốt huyết áp cũng như các bệnh lý nền, uống thuốc và tái khám định kỳ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Cùng với đó, mỗi người cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, ăn uống hợp lý, không ăn nhiều chất béo như: mỡ, lòng động vật, bơ... giảm muối trong khẩu phần ăn.

Người nhà cần theo dõi việc uống thuốc hàng ngày đúng theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không được ngưng thuốc đang điều trị hay sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng và bài thuốc dân gian không có chứng cứ khoa học khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Tái khám theo hẹn hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường, tác dụng phụ của thuốc như: đau thượng vị, phù chân, ho khan, đau bắp chân... Các dấu hiệu của đột quỵ tái phát: ý thức chậm hơn, liệt tăng lên, nói khó hơn, đi lại khó khăn hơn (loạng choạng, mất thăng bằng), miệng méo... Cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế có điều trị đột quỵ gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu trên.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn