Hội nghị trực tuyến đóng góp Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Cập nhật ngày: 17/04/2015 14:08:16

Ngày 16/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thảo luận về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp có ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, các vị ĐBQH tỉnh cùng Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở Nội vụ, Tư pháp, Tài chính; Thường trực HĐND và UBND các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh. 

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh 7 nội dung lớn của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo luật; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; về phân định thẩm quyền giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; về cách thức và nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND, UBND; về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND trong một số lĩnh vực cụ thể; về tổ chức và hoạt động của HĐND; về tổ chức và hoạt động của UBND.

Trong đó, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 1 là tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Theo các đại biểu, ưu điểm của phương án này bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp yêu cầu thực tế và thể hiện rõ nét chính quyền do dân bầu ra và vì dân. Về nội dung tổ chức và hoạt động của UBND, theo ý kiến đại biểu chỉ nên quy định cứng cho số lượng 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, còn số lượng Ủy viên UBND thì không nên quy định cứng là không quá 27, mà tùy vào điều kiện của từng tỉnh, UBND tỉnh đề nghị số lượng ủy viên và HĐND tỉnh quyết định. Ngoài ra, theo các đại biểu, bên cạnh quy định về trách nhiệm thì cần bổ sung quy định về quyền hạn của Thường trực HĐND nhằm đảm bảo thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp của HĐND có tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương... Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Thanh Trúc

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn