ĐỒNG THÁP:

Nét mới của mô hình tổ chức đảng trong cánh đồng liên kết

Cập nhật ngày: 21/09/2017 07:54:08

ĐTO - Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được đảng viên là nông dân trực tiếp thực hiện, đồng thời vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân cùng đồng thuận và nghiêm chỉnh chấp hành. Đó là hiệu quả bước đầu của việc thí điểm thành lập mô hình tổ chức đảng, đoàn thể trong cánh đồng liên kết tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.


Thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa ở xã Phú Đức (huyện Tam Nông) góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch

Chủ động liên kết sản xuất

Nhằm góp phần làm đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng, tuyên truyền vận động, làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ, manh mún của người dân cũng như tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hiện đại, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tháng 4/2014, Đảng ủy xã Phú Đức, huyện Tam Nông công bố quyết định thành lập chi bộ trong cánh đồng liên kết Bình Tiến (gọi tắt là Chi bộ Bình Tiến) trên cơ sở diện tích sản xuất của 2 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến và HTX nông nghiệp Phú Bình (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) với tổng diện tích trên 1.350ha, khoảng 1.000 hộ dân tham gia sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dư – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp của xã khoảng 3.100ha, tất cả đều có hệ thống đê bao khá vững chắc. Thời gian qua, cây lúa được xác định là thế mạnh trong phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, trước diễn biến “được mùa thì rớt giá”, thậm chí bị thương lái ép giá, từ đó cấp ủy, chính quyền địa phương đã mạnh dạn vận động người dân sản xuất theo hướng liên kết gắn với việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với bà con sản xuất trong 2 HTX nông nghiệp Tân Tiến và HTX nông nghiệp Bình Phú. Cũng chính từ thực tế này mà Đảng ủy xã Phú Đức đề nghị Huyện ủy Tam Nông cho chủ trương thí điểm thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong cánh đồng liên kết nói trên.

Từ mô hình cánh đồng liên kết được hình thành, nhiều năm qua, hàng trăm héc-ta trồng lúa với tổng sản lượng hàng chục ngàn tấn lúa của xã viên thuộc 2 HTX nông nghiệp Tân Tiến và HTX nông nghiệp Phú Bình sản xuất theo hướng liên kết gắn với sự bao tiêu của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Đặc biệt, có đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, giống cho bà con nông dân khi sản xuất theo hợp đồng. Từ đó, diện tích sản xuất lúa theo hợp đồng gắn với bao tiêu sản phẩm có lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa ngoài cánh đồng liên kết.

Sản lượng lúa thu hoạch được bao tiêu theo hợp đồng giúp nông dân an tâm về đầu ra của sản phẩm

Đồng chí Võ Văn Hoàng - Bí thư Chi bộ Bình Tiến cho biết, nông dân bây giờ làm lúa khỏe hơn so với trước đây vì có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, số diện tích được duy trì ký kết bao tiêu sản phẩm còn hạn chế so với tổng số diện tích sản xuất của đảng viên, hội viên, nhân dân trong cánh đồng liên kết Bình Tiến. Do đó, thời gian gần đây, ngoài diện tích ký kết bao tiêu “truyền thống”, thì người dân trong cánh đồng liên kết Bình Tiến còn chủ động sản xuất lúa thương phẩm giá trị cao hoặc sản xuất lúa giống chất lượng cao theo nhu cầu “đặt hàng” của một số công ty trong và ngoài địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng nguồn thu nhập của người dân.

Ý Đảng lòng dân

Xả lũ đón phù sa là một chủ trương không những được 100% người dân có diện tích sản xuất lúa trong 2 ô đê bao thuộc HTX nông nghiệp Tân Tiến và HTX nông nghiệp Phú Bình thuộc xã Phú Đức (huyện Tam Nông) đồng thuận mà phần lớn người dân sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều thống nhất ủng hộ chủ trương trên. Kết quả trên thể hiện vai trò nòng cốt của tổ chức đảng, các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng nói chung và ở Chi bộ Bình Tiến nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dư cho biết thêm, một số kết quả nổi bật của chi bộ và các đoàn thể từ khi thành lập đến nay là số lượng đảng viên của chi bộ tăng từ 8 lên 16 đảng viên (tăng 8 đảng viên). Đồng thời thành lập được các tổ chức đoàn thể (Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi Đoàn Thanh niên Bình Tiến) trong cánh đồng liên kết dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Bình Tiến. Các đoàn thể phát huy vai trò nòng cốt của mình trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước đến hội viên, đoàn viên, nông dân, nhất là chú trọng tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, Đề án chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện Tam Nông theo hướng liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm được khép kín.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hữu Dư, Chi bộ Bình Tiến quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, sắp xếp lại tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, làm thay đổi ý thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân sang hướng sản xuất tập trung, hiện đại. Trong đó, điểm đáng ghi nhận là mỗi đảng viên của Chi bộ Bình Tiến đều thể hiện được sự gương mẫu, đi đầu trong hoạt động sản xuất, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện đưa chủ trương của Đảng đến với nông dân. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, trao đổi trong chi bộ và lãnh đạo HTX để tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, tăng thu nhập cho các thành viên và nông dân.

Chi bộ Bình Tiến khi mới thành lập chỉ có 8 đảng viên, đến nay đã kết nạp và tiếp nhận mới thêm 8 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 16 đồng chí. Tổng số hội viên của Chi hội Nông dân là 335 người, Chi hội Phụ nữ 175 người. Các mô hình của đoàn thể tại cánh đồng liên kết hoạt động có hiệu quả như: mô hình nông dân làm dịch vụ bốc vác - vận chuyển lúa; mô hình làm đất - phun xịt thuốc trừ sâu - thu hoạch lúa... Qua đó, giúp người dân giảm chi phí trong sản xuất và tạo thêm nguồn thu nhập cho hội viên, đoàn viên trong cánh đồng liên kết.

DŨNG CHINH

Gửi bình luận của bạn