Nắng nóng, chủ động phòng bệnh cho trẻ

Cập nhật ngày: 02/05/2016 12:37:09

Hiện nay, thời tiết đang vào đợt cao điểm nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng hiện tượng Elnino. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thời tiết nắng nóng sẽ làm giảm sức đề kháng nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh hơn.


Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ở hành lang

Những ngày gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (BVĐKĐT) luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng bệnh nhân tăng đột biến, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Khoa Nhi, đa số giường bệnh đều đã được sử dụng hết. Nhiều bệnh nhi phải nằm ghép giường để được điều trị. Ngoài ra, còn rất nhiều trẻ nhập viện nhưng phải chịu cảnh nằm ở hành lang vì bệnh nhân quá đông. Chị Đặng Thị Nhị (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) có con gần 2 tuổi nằm viện cho biết: “Cháu bị viêm phổi nên gia đình cho nhập viện để điều trị. Do lượng bệnh nhân quá đông nên con tôi phải nằm chung giường với 1 bé khác. Để cháu đỡ mệt, tôi cho cháu ra nằm ngoài hành lang. Đến khi nào khám bệnh thì bế cháu vào”. Theo số liệu của Phòng Kế hoạch tổng hợp – BVĐKĐT, trong quý I, bệnh viện đã tiếp nhận 35.701 lượt trẻ em dưới 15 tuổi khám và điều trị bệnh. Tính riêng trong 3 tuần đầu của tháng 4, số bệnh nhi nhập viện điều trị là 1.023 trường hợp.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Li Mông – Phó Trưởng Khoa nhi, BVĐKĐT, thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, làm cho trẻ dễ mắc bệnh hơn. Những bệnh trẻ thường mắc trong thời điểm này chủ yếu là bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh tay chân miệng. Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt cao, co giật, nôn ói nhiều, tiêu lỏng nhiều lần, tiêu lỏng có đàm máu... phụ huynh nên đến các cơ sở y tế gần nhất khám, để có hướng điều trị thích hợp.

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh, gia đình trẻ em vì ngại đến các cơ sở y tế nên thường tự mua kháng sinh ở các quầy thuốc tây để điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, họ không biết được việc sử dụng thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Bà Phạm Thị Bé ngụ xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh cho biết, trước khi nhập viện điều trị, gia đình bà có mua thuốc cho cháu uống khi cháu có triệu chứng sốt cao. Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc không thuyên giảm, bà cùng gia đình đưa cháu đến bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ yêu cầu cho bé nhập viện bởi bệnh đã trở nặng. Chia sẻ về thực trạng người thân tự cho trẻ uống thuốc tại nhà, Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Li Mông cho biết: “Nguyên tắc quan trọng nhất khi uống kháng sinh là phải qua thăm khám và đánh giá đầy đủ của bác sĩ, khi đó người bệnh mới được chỉ định dùng kháng sinh hay không, uống như thế nào, liều lượng ra sao. Tuy nhiên, không ít người vì ngại đi khám bệnh, lại chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh nên tự ý kê đơn và mua thuốc kháng sinh về dùng. Từ đó, dẫn đến việc không tránh khỏi là uống sai kháng sinh, bệnh không khỏi mà còn dễ bị biến chứng nặng hơn”.

Thời điểm nắng nóng khô hạn như hiện nay, đặc biệt dễ gây bệnh cho trẻ. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ đang phát triển, hệ thống miễn dịch đang từng bước hình thành, chưa thành ý thức để tự giác phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây cho những người xung quanh. Do đó, mỗi phụ huynh, gia đình có trẻ phải nâng cao ý thức tự giác trong việc phòng ngừa bệnh cho con em mình. “Đối với trẻ nhỏ nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Chế biến đồ ăn, thức uống cho trẻ phải tuân thủ qui định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm phòng các bệnh đường tiêu hóa; tăng cường các loại thức uống nước ép trái cây. Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phù hợp theo từng lứa tuổi giúp bảo vệ trẻ tốt nhất suốt mùa nắng nóng” – Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Li Mông khuyến cáo.

P.Lộc

 

Gửi bình luận của bạn