Trăn trở nghề nuôi cá tra

Cập nhật ngày: 02/07/2012 13:32:46

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu được xem là chủ lực của tỉnh và được đánh giá là “mỏ vàng” của nước ta. Tuy nhiên, ngành nghề này đang gặp khó khăn khi giá cá tra cứ sụt giảm theo từng mùa.

Thực trạng nghề nuôi

Theo báo cáo thống kê từ các địa phương, 6 tháng đầu năm toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long nuôi thả trên 4.500ha, trong đó diện tích thu hoạch trên 2.000ha, đạt sản lượng trên 533.000 tấn, năng suất trung bình đạt 265 tấn/ha. Trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt trên 700 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ đang phát triển tốt và một số thị trường khác khá ổn định.


Nuôi cá tra theo quy hoạch để tránh tình trạng cung vượt cầu

Tuy đạt được kết quả, nhưng thực trạng là giá cá tra đang sụt giảm mạnh. Phát biểu trong buổi sơ kết sản xuất và tiêu thụ cá tra 6 tháng đầu năm, ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, sau thời gian phấn khởi do giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao, từ cuối tháng 3 người nuôi cá tra vùng ĐBSCL đã và đang chịu thua lỗ nặng nề do giá cá tra sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg, lỗ từ 2.000 -5.000 đồng/kg dẫn đến tình trạng treo ao ở nhiều nơi.

Theo nhận định của các ngành chuyên môn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, yếu tố lớn nhất đẩy giá cá xuống thấp là do việc mất cân đối cung cầu. Ông Huỳnh Minh Đoàn - Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Hiện nay, chúng ta cần nhìn thẳng thực tế nhằm chẩn đoán đúng bệnh để bốc đúng thuốc tháo gỡ những khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, thông qua các kỳ hội chợ là giá cá tra bắt đầu sụt giảm. Đây là biểu hiện của sự tranh bá mà nguyên nhân là cung ít cầu nhiều”. Nhằm giảm bớt hiện tượng này, ông cho rằng: “Chúng ta cần nói thẳng là số lượng cá tra đang thừa, đồng thời điều tiết lại sản lượng không để vùng nuôi phát triển tràn lan.”

Hiện vấn đề vốn đã cộng hưởng cho giá cá đột ngột giảm mạnh. Những doanh nghiệp thiếu nguồn vốn nên không thể thu mua cá tra nguyên liệu từ nông dân, mà ưu tiên tiêu thụ lượng cá tự nuôi và hộ nuôi gia công, dẫn đến những người nuôi độc lập khó tiêu thụ và làm mất cân đối cung cầu. Với vấn đề này, ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận xét: “Vấn đề chính góp phần vào giá cá giảm mạnh là việc doanh nghiệp đến thời hạn đáo nợ và lãi suất cao nên họ đã bán tháo để xoay nguồn vốn. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, việc bùng nổ các nhà máy chế biến (30 nhà máy chế biến cá tra), trong đó ngân hàng là nơi “bơm vốn” nhiều nhất cho họ. Đến nay, khi thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp không có vốn để mua cá của người chăn nuôi.”

Cũng theo ông Minh, một phần do đồng EURO mất giá, nhất là đối với những thị trường phát triển mạnh. Ngoài ra, chi phí sản xuất cá tra 6 tháng đầu năm đã tăng lên 40% so với thời gian trước đây (chi phí vận tải biển, nhân công lao động, lãi suất) đã gây thêm sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra...

Trong khi đó, ngành ngân hàng đã đưa ra bài toán chi phí cấu thành nên giá thành của sản phẩm cá tra (dao động từ 20.000-23.000 đồng/kg) trong đó lãi suất ngân hàng chỉ chiếm 0,5%. Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Tháp nhận định, yếu tố cấu thành nên giá cá cao nhất do giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 70%. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định, hiện nay do hệ thống cung cấp thông tin chưa tốt dẫn đến doanh nghiệp người nuôi không có sự phản ứng lại thị trường...

Đồng ý với những ý kiến trên, các doanh nghiệp cũng cùng chung nhận định, việc tổ chức xuất khẩu hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, tình trạng nhiều doanh nghiệp cùng khai thác thị trường dẫn đến tình trạng bán phá giá nhau để giành hợp đồng dẫn đến các đối tác tiêu thụ ép giá...

Tháo gỡ bài toán khó

Để giúp người nuôi và doanh nghiệp giải quyết những khó khăn cho ngành cá tra phát triển bền vững thì nhu cầu về vốn đang được xem là một trong những mấu chốt, cần được ưu tiên. Theo ông Huỳnh Minh Đoàn, ngân hàng cần “bơm tiền” theo tỷ lệ hiện hữu về người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của từng địa phương. Song song đó, để quản lý tốt nguồn vốn này, ngân hàng sẽ trực tiếp trả tiền thu mua cá của doanh nghiệp cho nông dân để tránh sử dụng nguồn vốn vào mục đích khác và cần quản lý điều tiết lại sản phẩm để tránh vùng nuôi phát triển tràn lan...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 780 cùng Thông tư 2506 về việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, ông cũng thông tin thêm về gói cước 9.000 tỉ đồng đã được đề xuất với Bộ Tài chính sẽ phân bổ nhằm hỗ trợ cho các đối tượng người nuôi và doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần đẩy mạnh thông tin về giá cả, thị trường cho người dân biết để điều phối việc nuôi trồng. Phối hợp với các cơ quan của Chính phủ điều hành chặt chẽ về xuất khẩu, chống bán phá giá. Theo đó, cần đảm bảo chất lượng, uy tín, chống biểu hiện gian lận thương mại, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cá tra; cần bảo vệ, phát triển thêm thị trường quốc tế, một trong những giải pháp để cá tra là mặt hàng phát triển bền vững... Ngoài ra, để cân bằng cung cầu, ông cũng yêu cầu ngân hàng nên hỗ trợ vốn để doanh nghiệp mua sản phẩm từ nông dân chế biến và lưu vào kho.

Với tư cách đại diện của một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bà Trương Thị Lệ Khanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, chia sẻ: “Hiện tại, thị trường vẫn đang mở và người tiêu dùng Châu Âu sẵn sàng chi trả cao hơn từ 10-20% cho những sản phẩm mang tính bền vững, an toàn. Đó là một trong những cái phao để chúng ta lập lại trật tự về thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, nên ưu tiên vốn cho những doanh nghiệp có thể chứng minh được năng lực tài chính, thị trường để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Chính phủ, Bộ chủ quản cần xây dựng gói giải pháp dài hạn xây dựng giá sàn chất lượng sản phẩm, xây dựng kế hoạch và cấp phép nuôi để tránh tình trạng dư thừa, góp phần phát triển nghề nuôi, chế biến cá tra”.

Tuấn Tường

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn