“Cò lúa”, “cò gạo”...

Cập nhật ngày: 02/07/2012 07:41:27

Sau cò lúa, giờ đây lực lượng cò gạo, cò máy gặt lúa, cò vịt chạy đồng,... cũng đang phát triển mạnh. “Cò” chỉ làm cầu nối mua - bán hay hợp đồng nào đó và hưởng một khoản tiền khá ngon.

Cò gạo giúp thương lái bán được gạo nhanh, vì khỏi phải chở gạo đến từng điểm mua cho người mua xem gạo rồi định giá. Kết nối thành công một vụ mua bán, thương lái trả cho cò gạo khoảng 10.000 đồng/tấn.

Cò giúp các chủ máy gặt lúa, máy xới tìm mối làm ăn với số lượng lớn ở cùng một cánh đồng, khu vực. Sau khi tìm mối xong, cò “Alô” báo cho chủ phương tiện biết thời gian gặt, xới đất.

Một cò lúa cho biết, một hai năm trước khi lực lượng cò lúa chưa phát triển nhiều, có ngày mỗi cò kiếm được 1-2 triệu đồng. Bây giờ có xã có tới hàng chục người làm cò lúa nên thu nhập cò lúa không còn hấp dẫn như trước. Những khu vực đồng lúa lớn, việc mua bán lúa bây giờ chủ yếu thông qua cò. Tiền cò thu được từ thương lái mua lúa, hiện khoảng 20.000 đồng/tấn lúa.

Nông dân làm ra hạt lúa bán cho thương lái, thương lái lại phải chi một khoản tiền cho cò mua lúa và cò bán gạo, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giá bán lúa của nông dân. Nếu nông dân bán lúa không phụ thuộc vào cò, không qua thương lái thì sẽ được lợi hơn. Đó là mô hình doanh nghiệp ký kết thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn giá thương lái đã hình thành ở một vài nơi, trong đó có Công ty Tân Hồng trên địa bàn huyện Tân Hồng.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn