Sản xuất chạy lũ với cây trồng ngắn ngày

Cập nhật ngày: 21/07/2017 10:52:57

Thay vì sản xuất lúa vụ 3, nông dân chọn những cây trồng ngắn ngày hơn để canh tác ở những khu vực gò cao hoặc đê bao lửng. Cách làm này được người dân huyện Hồng Ngự áp dụng để sản xuất kịp lũ, vừa góp phần tăng thu nhập và giải quyết thời gian nhàn rỗi trong mùa lũ.


Ông Hà Văn Oai chăm sóc diện tích trồng cà tím

Trước dự báo lũ lớn và tính toán mùa vụ sản xuất, bà Phạm Thị Mốt ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự quyết định bỏ lúa vụ 3 chuyển sang trồng cây đậu xanh. Đây là cây trồng ngắn ngày, chỉ bằng khoảng 2/3 thời gian sinh trưởng của cây lúa.

Với lịch xuống giống đầu tháng 5 âm lịch, nên dự kiến đến đầu tháng 7 âm lịch, diện tích canh tác này sẽ cơ bản thu hoạch ăn chắc trước lũ lớn. Bà Phạm Thị Mốt cho biết: “Mấy năm trước làm lúa nước lũ tràn vô, còn cây đậu xanh ngắn ngày nên an toàn hơn làm lúa”.

Tại các khu vực đất gò cao của các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2 và một số xã cù lao, nông dân mạnh dạn chuyển đổi lúa vụ 3 sang canh tác các loại cây trồng ngắn ngày để chạy lũ. Việc làm này vừa đảm bảo an toàn trong sản xuất, vừa góp phần tăng thu nhập và giải quyết lao động nông nhàn của địa phương.

Bước đầu một số diện tích đã cho thu hoạch, lợi nhuận khá. Ông Hà Văn Oai, nông dân xã Thường Phước 1 nói: “Năm nay trồng cà tím giá cũng ổn định, cứ 3 ngày tôi thu hoạch một lần tương đương 6 - 7 giạ lúa. Mấy năm trước lũ lên mạnh, đê bao chịu không nổi nước ập vô, bộ đội biên phòng phải vô giúp dân gặt lúa nên UBND huyện khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ 3”.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn huyện hiện có khoảng 300ha cây trồng ngắn hạn được xuống giống trong vụ 3 năm nay, bao gồm: đậu, bắp nếp và một số cây dây leo. Những cây trồng này có thời gian sinh trưởng ngắn từ 1 - 2 tháng nên đảm bảo thu hoạch an toàn trước lũ.

Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Thị trường đôi lúc có những biến động, do vậy người dân khi sản xuất nên lưu ý không sản xuất đại trà mà phải với diện tích vừa phải để lượng cung và cầu đáp ứng với nhau thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả”.

Việc tính toán sản xuất cho phù hợp với lịch thời vụ và điều kiện mưa lũ đã được nông dân huyện Hồng Ngự áp dụng những năm qua. Năm 2017, chủ trương xả lũ của UBND huyện được nhiều người dân đồng tình và có cách làm phù hợp tận dụng vòng quay của đất nhưng vẫn đảm bảo cho đất nghỉ ngơi và đón nhận phù sa từ lũ sông Tiền.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn