Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Cập nhật ngày: 20/07/2017 05:58:18

ĐTO - Trước tình hình giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian qua gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để nhanh chóng tìm giải pháp nhằm giảm thiểu áp lực cũng như thiệt hại cho nông dân.


Đại biểu đề xuất giải pháp phát triển ngành chăn nuôi heo tại cuộc họp do Sở Công Thương tổ chức

Liên kết để ổn định giá

Châu Thành là địa bàn tập trung số lượng đàn heo lớn nhất tỉnh. Vì thế, khi giá heo hơi rớt thê thảm xuống còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, nông dân nuôi heo phải chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc HTX chăn nuôi heo Phú Bình (xã Phú Long, Châu Thành) tâm sự: “Thời điểm giá heo giảm mạnh ở mức 25.000 đồng/kg, lái không lại xem, heo ứ đọng khá nhiều. Để giải quyết khó khăn tức thời cho nông dân, Ban giám đốc HTX bàn bạc, xin ý kiến Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Thành cho mở quầy bán thịt heo tại chợ. Nhờ công tác tuyên truyền tại các phương tiện truyền thông và sự ủng hộ của bà con mà HTX giải quyết được một lượng lớn đàn heo, đảm bảo lãi 10%”.

Hiện giá heo hơi đã có dấu hiệu nhích lên so với thời điểm trước, HTX đang thu mua heo của thành viên với giá 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cái khó của HTX cũng như nông dân nuôi heo là không biết rõ thông tin về thị trường, trong khi giá heo biến đổi liên tục từng ngày, đối với nông dân nuôi heo chênh lệch 100.000 đồng/tạ cũng là một khoản chi phí lớn nếu số lượng lên đến hàng chục, hàng trăm tấn... Do đó, phía HTX cũng như nông dân chăn nuôi heo mong muốn Sở Công Thương có kênh thông tin chính thống giúp cho nông dân, HTX cập nhật liên tục để sát với thị trường...

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiền Giang - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc) cho rằng: “Bên cạnh việc thông tin thị trường, liên kết chặt chẽ giữa 3 bên gồm: doanh nghiệp cung ứng thức ăn - người chăn nuôi - doanh nghiệp thu mua mới là việc làm cần thiết. Thực tế, giá heo rớt thảm một phần cũng do việc tăng đàn quá nhanh. Đồng thời để ổn định thị trường, tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng lò giết mổ ở từng địa phương để đảm bảo quy trình giết mổ an toàn trong trường hợp “khủng hoảng thừa”.

Hiện ông Giang đang quản lý kinh doanh cửa hàng thực phẩm an toàn tại TP.Sa Đéc, cửa hàng đã liên kết cung ứng thực phẩm sạch cho Công ty Cỏ May Lai Vung. Theo ông Giang, nếu heo quản lý theo chất lượng an toàn, cửa hàng sẽ mở rộng thu mua và phân phối.

Cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp và... người chăn nuôi

Tại cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp ổn định phát triển ngành chăn nuôi do Sở Công Thương tổ chức ngày 14/7 vừa qua, đại diện Sở Công Thương cho biết, trên địa bàn tỉnh có 11 trang trại và 1 HTX chăn nuôi heo Phú Bình với tổng lượng đàn heo trên 195 ngàn con. Mặc dù số lượng này chỉ cung ứng khoảng ¾ nhu cầu thịt heo trong tỉnh nhưng do ảnh hưởng của tình hình chung nên giá heo sụt giảm liên tục từ cuối năm 2016 đến nay, khiến không ít người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.

Hiện vấn đề đặt ra đối với ngành chăn nuôi tỉnh không chỉ là “cứu” thịt heo nữa mà phải đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Toàn Chân - Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh: “Đây là khó khăn chung của người dân nuôi heo cả nước chứ không riêng trên địa bàn tỉnh. Chúng ta nên phối hợp tổ chức sản xuất lại để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi trong tỉnh. Giải pháp cụ thể là, đối với những hộ nuôi quy mô 50 con trở lên, đề nghị UBND các huyện nên rà soát lại, gắn kết với HTX, tổ hợp tác; tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn, đồng thời phối hợp với Ban quản lý chợ bố trí nơi buôn bán an toàn, tránh tình trạng buôn bán tự phát. Riêng đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chỉ đạo UBND các xã bố trí các điểm bán cho phù hợp”.

Hiện giá heo trên thị trường có dấu hiệu tăng, mức giá đảm bảo có lợi nhuận cho bà con chăn nuôi. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mức tăng giá này không ổn định, người chăn nuôi không nên vội tính chuyện tái đàn với số lượng lớn mà phải tìm giải pháp phát triển chăn nuôi ổn định.

Ông Lê Hữu Dư - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho rằng, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong thời gian tới, trước mắt bản bản thân nông dân phải ý thức được việc vào HTX, nuôi tập trung, nuôi theo quy trình đảm bảo theo hướng sạch, an toàn... Bên cạnh đó, rất cần sự “chia lửa” của doanh nghiệp sản xuất thức ăn, cung ứng heo giống, thuốc thú y... nhằm giảm nguyên liệu đầu vào để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.

Đồng thời, ông Dư cũng đề nghị, các ngành, các cấp, địa phương nên vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ người nuôi heo phát triển bền vững như rà soát số lượng, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tổ hợp tác, HTX nuôi theo hình thức tập trung, an toàn. Đặc biệt, là việc hình thành hệ thống các cửa hàng nông sản sạch, thịt sạch ở từng địa phương. Đây là cách để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn