Phối hợp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây có múi

Cập nhật ngày: 05/12/2018 05:04:17

ĐTO - Ngày 4/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Tham dự có những chuyên gia đến từ các viện, trường, sở, ngành, địa phương.


Quang cảnh buổi làm việc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 14/10/2018, toàn huyện Lai Vung có số diện tích cây có múi nhiễm bệnh là 2.069ha, chiếm 40% diện tích trồng, mức độ thiệt hại từ 20 - 50%.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình hình cây có múi bị bệnh là do sự cộng hưởng các giải pháp canh tác chưa đúng. Trong đó, chủ yếu do nông dân lạm dụng phân bón, thuốc hóa học, kích thích sinh trưởng với mục đích cho cây phát triển nhanh, năng suất cao, cho nhiều đợt trái... Ngoài ra, điều kiện thời tiết bất thường cũng là nguyên nhân gây bệnh cho cây.

Để khắc phục tình trạng bệnh hoành hành, thời gian qua, Sở NN&PTNT, huyện Lai Vung và các viện, trường tổ chức nhiều buổi tập huấn, thông tin tình hình cây có múi chết và các giải pháp khắc phục. Ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về tình trạng suy thoái đất liếp vườn cây ăn trái, nhằm có cơ sở khoa học khuyến cáo nông dân thực hiện các giải pháp để sản xuất cây có múi hiệu quả bền vững hơn.

Tham gia buổi làm việc, đại diện các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ đóng góp nhiều ý kiến về khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi, trong đó chú trọng khâu chọn giống sạch bệnh. Bên cạnh đó, nông dân phải thiết kế hệ thống mương, liếp phù hợp; tỉa cành, tạo tán cây ra cơi đợt tập trung; sử dụng nhiều phân hữu cơ có nguồn gốc rõ ràng...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng đánh giá cao những ý kiến từ các chuyên gia. Nhằm nâng cao giá trị bền vững cây có múi, ông Nguyễn Thanh Hùng giao Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Lai Vung phối hợp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh vàng lá chết xanh trên cây có múi. Để kế hoạch được xây dựng có chiều sâu, trong quá trình soạn thảo, các ngành, địa phương phải tham khảo ý kiến với các chuyên gia đến từ các viện, Trường Đại học Cần Thơ.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn