Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 19/09/2012 10:37:31

Việc hình thành các Khu kinh tế cửa khẩu, khu cụm công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng giao lưu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng để thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh, sắp xếp tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động...


Nhà máy xử lý nước thải ở khu công nghiệp SaĐéc
Ảnh: Thanh Phong

Tuy nhiên, phát triển cần đi đôi với yếu tố bảo vệ môi trường. Điều này được UBND tỉnh và các ngành hữu quan đặc biệt quan tâm. Ngoài việc ban hành nhiều văn bản, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp và công nhân được tỉnh đẩy mạnh thường xuyên với nhiều hình thức.

Đối với khu kinh tế cửa khẩu, do hạ tầng chưa hoàn thiện, mới có 1 dự án đi vào hoạt động nên không tác động nhiều đến môi trường. Tại các cụm công nghiệp (CCN) chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản và thức ăn chăn nuôi, việc phát sinh chất độc hại cho môi trường là rất ít. Hiện nay, có 3 CCN đã triển khai khu xử lý nước thải tập trung, các CCN còn lại mặc dù chưa có khu xử lý nước thải tập trung, nhưng từng nhà máy trong cụm đã trang bị khu xử lý nước thải riêng đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra môi trường.

Công tác bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp (KCN) được quan tâm nhiều hơn, do tại đây thu hút nhiều doanh nghiệp, có 52 dự án đăng ký đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 67%, chủ yếu là ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến thức ăn chăn nuôi...

Nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các KCN là khí thải từ các ống khói lò hơi nhà máy chế biến thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các nhà máy đã ứng dụng đầu tư công nghệ mới nên sau quá trình xử lý, khói thải từ các lò hơi đa phần đạt theo các quy chuẩn môi trường hiện hành, các chỉ tiêu giám sát môi trường định kỳ hàng năm đều nằm trong giới hạn cho phép. Đối với tiếng ồn tại các KCN phát sinh khá cao, tuy nhiên do vị trí các KCN đều nằm xa dân cư và có hệ thống cây xanh tạo hành lang an toàn, nên mức độ tiếng ồn phát sinh ra ngoài KCN là không đáng kể.

Theo thống kê, tổng chất thải rắn phát sinh tại 3 KCN đang hoạt động của tỉnh là khoảng 15.125 tấn/năm. Để đảm bảo an toàn nhất định, chất thải thông thường có khả năng tái chế được các công ty, doanh nghiệp bán lại cho các đơn vị thu mua; các chất thải không tái chế được và chất thải sinh hoạt thì được hợp đồng chuyển đi chôn lấp ở các bãi rác trong tỉnh. Riêng chất thải nguy hại, hiện nay chỉ có một số ít công ty, doanh nghiệp là có hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý, số lượng chất thải nguy hại còn lại sẽ được giữ trong kho lưu chứa của nhà máy.

Việc hình thành xử lý nước thải tập trung là một trong những vấn đề cần thiết, góp phần giảm thiểu lớn tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với KCN Sa Đéc thời gian qua đã đầu tư 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, với tổng công suất là 4.500m3/ngày - đêm, đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của KCN. Riêng KCN Sông Hậu và Trần Quốc Toản chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, chủ đầu tư và xây dựng hạ tầng 2 KCN này đã cam kết đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung vào cuối năm 2012.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể. Các thủ tục hành chính về môi trường được các đơn vị chủ động thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, một số nhà máy chưa chấp hành tốt, còn thiếu một số thủ tục hành chính như: chưa xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức, chưa tuân thủ chương trình giám sát môi trường đã phê duyệt, thiếu kho lưu chứa chất thải nguy hại...

Để công tác bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả, tỉnh và các ngành hữu quan thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm. Từ đầu năm 2011 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý các khu kinh tế, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện 8 trường hợp vi phạm và kiến nghị cho cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về môi trường với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 13 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn