Nông dân huyện Thanh Bình thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế

Cập nhật ngày: 18/03/2017 06:22:23

ĐTO - Với sự quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân (ND) huyện Thanh Bình và ý thức tự lực vươn lên của mình, nhiều ND trong huyện tích cực lao động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình.


Kinh tế nhiều hộ dân ở xã Tân Hòa phát triển nhờ cây xoài cát Hòa Lộc

Trong 3 năm qua, các cấp Hội ND phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức trên 880 lớp tập huấn kỹ thuật và trình diễn mô hình trong những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp, có hơn 28.000 lượt hội viên ND tham gia. Hội phối hợp tổ chức trên 300 điểm hội thảo chuyên đề trồng màu trên nền đất lúa; chuyển giao các giải pháp hạ giá thành sản xuất lúa; mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”... Hội vận động hội viên ND thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất mới; xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tăng thu nhập cho hội viên.

Trên cơ sở nhu cầu về vốn của hội viên, Hội ND huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho trên 6.500 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đơn vị còn phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm 26 tổ vay vốn tín dụng nông nghiệp ở các xã, thị trấn, có 780 hộ vay với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, huyện nhận phân bổ 1,6 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ ND Trung ương và tỉnh, thực hiện 4 dự án với 89 hộ vay. Đồng thời, Hội cũng đã hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho hội viên ND thông qua các nguồn quỹ do Hội ND huyện xây dựng (hơn 4,7 tỷ đồng). Nhìn chung việc quản lý các nguồn vốn chặt chẽ, đa số ND sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Mấy năm qua, huyện Thanh Bình xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều ND tiêu biểu trong phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ hiệu quả kinh tế 0,5ha sản xuất lúa giống mang lại ban đầu, ông Nông Tấn Dí ở xã Tân Thạnh đã mạnh dạn tăng diện tích sản xuất lên 4ha, giải quyết nhu cầu về giống lúa chất lượng cho trên 100 hộ ND tại địa phương. Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận trên 130 triệu đồng/năm. Hiện ông cùng với 13 hộ khác thực hiện Dự án “Trồng lúa giống nông hộ” do Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh hỗ trợ với số vốn 600 triệu đồng, dự án đang phát huy hiệu quả.

Nhiều ND có ý thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, xóa dần lối canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Điển hình là ông Dương Văn Luông ở xã Tân Huề với mô hình “Liên kết sản xuất, tiêu thụ bắp ngọt”. Ông Luông đã hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư vốn cho 28 hộ trồng rải vụ 19,9ha bắp Sugar 75, giá bao tiêu ngay đầu vụ là 4.000 đồng/kg (bắp loại 1) nên người trồng an tâm và canh tác có hiệu quả. Qua 1 năm thực hiện mô hình, bình quân lợi nhuận các hộ đạt từ 47 - 55 triệu đồng/ha. Hay như ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Tân Huề đã đầu tư 1,2 tỷ đồng và hợp đồng với 28 ND nuôi bò vỗ béo. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ cố định sau khi trừ chi phí, nên người nuôi rất phấn khởi. Hiện mô hình “Tổ nuôi bò chia lãi” của ông Yêm đã mở rộng ra các xã lân cận.

Đặc biệt, những năm gần đây, một số nơi trong huyện Thanh Bình phát triển kinh tế vườn. Nhiều hộ dân ở các xã cù lao của huyện đầu tư trồng những loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao. Một số giống cây trồng tưởng chừng như chỉ trồng được ở địa phương khác nhưng giờ đã xanh tốt trên đất Thanh Bình. Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn Đi ở xã Tân Hòa đã chuyển 3ha đất trồng lúa sang trồng xoài cát Hòa Lộc. Do có kinh nghiệm trong việc xử lý ra hoa và chăm sóc trái nên vườn xoài của ông luôn đảm bảo chất lượng và có trái rải vụ quanh năm. Bình quân mỗi năm, ông Đi có lợi nhuận trên 600 triệu đồng từ loại cây trồng khó tính này.

Nhiều ND huyện Thanh Bình nỗ lực lao động sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Huyện có hàng trăm ND đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện, giai đoạn 2014 - 2016.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn