Huyện Lai Vung

Những điểm nhấn từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật ngày: 05/05/2017 10:59:26

Với vị trí nằm cặp sông Tiền, phù sa nước ngọt quanh năm, huyện Lai Vung có lợi thế trồng được nhiều loại cây ăn trái, hoa màu, chăn nuôi, thủy sản phong phú. Trong nhiều năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thôi thúc nhiều nông dân sáng tạo ra cách làm hay trong sản xuất, trong việc đưa sản phẩm ra thị trường phù hợp với trào lưu tiêu dùng mới.


Thu hoạch dưa lê

Nông dân bước đầu đã sản xuất theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và có thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tiêu biểu cho mô hình sản xuất này phải kể đến tổ hợp tác (THT) trồng quýt đường theo tiêu chuẩn Global GAP xã Vĩnh Thới; THT trồng mận trong nhà lưới xã Phong Hòa; Tổ nông dân liên kết trồng nấm rơm trong nhà xã Hòa Thành; THT trồng thanh long ruột đỏ xã Vĩnh Thới, xã Phong Hòa.

Bên cạnh đó, nông dân đã gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ theo hợp đồng. Trước tiên là vùng trồng dưa lê ở xã Tân Hòa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Hoàng Vinh và Công ty Hồng Quế, gần đây còn có thêm Công ty Út Dưa. Đây là liên kết chặt chẽ, được hình thành tự nhiên từ nhiều năm qua.

Việc Công ty Eco thuộc Tập đoàn Vinggroup ký hợp đồng thu mua sản phẩm quýt đường, cam xoàn, mận... đã thổi làn gió mới vào nhận thức của nhà vườn về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch của người tiêu dùng. Gần đây nhất, Công ty TNHH MTV Cỏ may Essential đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm rơm trong nhà ở xã Hòa Thành. Đối với thanh long ruột đỏ, dù không ký hợp đồng chặt chẽ nhưng Công ty Thạch Võ đã hướng dẫn quy trình kỹ thuật và đặt yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu, công ty đã thu mua toàn bộ sản phẩm do nhà vườn sản xuất.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được nông dân quan tâm như việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học khá phổ biến trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; việc sử dụng sinh vật đối kháng; tưới nước tự động, điều khiển từ xa, máy đánh rãnh lên líp trồng dưa lê, dùng màng phủ điều khiển ra hoa trái vụ; dùng màng che để chống nắng cho nấm rơm ngoài đồng, dùng mùng lưới để ngăn chăn dịch hại phá hoại cho cây ăn trái, dùng ánh sáng đèn để kích thích cho thanh long và hoa thiên lý trái vụ... đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận đáng kể, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Ngoài ra, nhiều nông dân của huyện đã biết sử dụng công nghệ thông tin và mạng lưới Internet để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Có không ít những thanh niên tuổi chưa đầy 30 mà có cơ ngơi sản xuất với doanh thu hàng năm tính bằng tiền tỷ. Đó là anh Đặng Quí Ngọc - Giám đốc Công ty Thuận Thiên Thành chuyên sản xuất và xuất khẩu mảng cầu xiêm chế biến ở xã Vĩnh Thới; giám đốc cơ sở sản xuất kẹo chuối phòng Tư Bông Nguyễn Thị Các Thủy ở xã Phong Hòa; Nguyễn Thanh Tú - chủ nhân khu vườn trồng kiểng trang trí nội thất kim phát tài ở xã Tân Dương. Trong nghề trồng quýt hồng có anh Phạm Văn Lâm, Phan Hữu Đạt ở xã Tân Phước. Trồng thanh long ruột đỏ có Nguyễn Tường Khổng Nghị...

Trên đây là những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cần phải được trân trọng, nâng niu và nhân rộng. Hội nông dân và các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp của huyện cần tăng cường tuyên truyền vận động và hỗ trợ để nông dân liên kết tăng thêm sức mạnh để cùng phát triển.

Phạm Văn Thật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn