Lấp Vò

Bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống

Cập nhật ngày: 04/05/2017 09:57:46

ĐTO - Huyện Lấp Vò có các làng nghề, nghề truyền thống được nhiều người biết đến như: dệt chiếu, đan bội, làm chổi lông gà, nghề làm khô cá... UBND huyện Lấp Vò đã có kế hoạch bảo tồn, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống tại địa phương.


Người dân Lấp Vò đan bội cải thiện thu nhập

Bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống tại Lấp Vò được thực hiện qua công tác đào tạo nghề nông thôn. Từ năm 2011 - 2016, toàn huyện có 59 lớp nghề nông thôn được mở với hơn 1.300 học viên được hướng dẫn, học nghề. Nghề nông thôn giúp người dân có việc làm trong thời gian nhàn rỗi, mang lại thu nhập. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa vào các làng nghề, hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất gần 1 tỷ đồng, cùng vốn đối ứng của hợp tác xã, tổ hợp tác để cải thiện năng suất, chất lượng của các làng nghề. UBND huyện phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển nghề đan bội tại xã Long Hưng B, hỗ trợ 13 máy chẻ nan cho hộ có hoàn cảnh khó khăn làm nghề. Các làng nghề như: dệt chiếu, đan bội, làm chổi lông gà, đan lưới, se trân, đan đát tại xã Định An, Định Yên, Long Hưng A, Long Hưng B, Vĩnh Thạnh, Bình Thành vẫn duy trì hoạt động với hơn 1.800 hộ làm nghề cung ứng sản phẩm ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số nghề mới manh nha gần đây như: nghề trồng hoa kiểng tại xã Bình Thành, thị trấn Lấp Vò, Tân Khánh Trung, nghề sửa xuồng ghe tại thị trấn Lấp Vò, Tân Khánh Trung, nghề làm thớt tại xã Định An, chế biến khô cá tại xã Tân Mỹ, nghề đan ghế nhựa, may giỏ xách... Do nhu cầu thị trường nên các làng nghề chủ động cải tiến mẫu mã để cạnh tranh. Địa phương xem xét hỗ trợ máy móc, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu hàng hóa gây ấn tượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động duy trì, phát triển làng nghề vẫn còn gặp một số khó khăn do các hộ dân sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu tính liên kết, hoạt động quảng bá thương hiệu vẫn còn hạn chế...

Với những ưu thế sẵn có về các làng nghề truyền thống tại địa phương, UBND huyện Lấp Vò chọn hướng phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch, tham gia trưng bày, bán sản phẩm lưu niệm ở các khu du lịch, khách tham quan; phát triển nghề trồng hoa kiểng tại các xã giáp ranh TP.Sa Đéc như: xã Long Hưng A, Long Hưng B, Tân Khánh Trung; khuyến khích người dân làm các sản phẩm mới như: giỏ đựng quà, giỏ đựng sản phẩm nông sản đặc trưng, khô cá lóc, khô cá chạch, dưa kiệu, bì mắm, đan ghế nhựa, giỏ bẹ nilon...

Theo lộ trình bảo tồn, phát triển làng nghề, huyện Lấp Vò tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục công nhận nghề truyền thống như trồng khoai môn; trang bị máy móc, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho các cơ sở trong làng nghề; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng logo, nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ 100% kinh phí để các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển thương hiệu; chú trọng đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường; xây dựng mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ khó kiểm soát chất lượng hàng hóa...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn