Làm giàu từ sản vật vùng Đồng Tháp Mười

Cập nhật ngày: 14/11/2017 08:25:37

ĐTO - Hành trang khởi nghiệp mà anh Nguyễn Văn Nữa (SN 1987) ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười có được chính là niềm tin, sự nhẫn nại và 14 con ếch giống vay mượn từ người anh họ hàng. Tuy nhiên, 10 năm sau, anh Nữa đã là chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ ếch sạch.


Khô ếch và chà bông ếch thương hiệu Bảy Nữa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh

Lập nghiệp với 14 con ếch giống

Dang dở việc học vào năm lớp 11, anh Nguyễn Văn Nữa (Bảy Nữa) quyết định đăng ký nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, chàng thanh niên 19 tuổi rong ruổi khắp các cánh đồng hết vác lúa thuê đến lái máy gặt đập liên hợp. Cũng từ đây, anh Bảy Nữa thấm thía nỗi cơ cực của người nông dân một nắng hai sương và nung nấu quyết tâm thoát nghèo.

Sau thời gian rong ruổi khắp các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười, khoảng năm 2007, anh Bảy Nữa về quê cưới vợ và bắt đầu lên kế hoạch lập nghiệp, làm giàu. Tuy nhiên, ý tưởng làm giàu của Bảy Nữa chưa được thực thi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ họ hàng hai bên.

“Thời điểm đó, nói tới con ếch thì ai ở vùng Tháp Mười này cũng biết nhưng nuôi và làm giàu bằng nghề nuôi ếch là câu chuyện còn mới mẻ. Bước qua những dự báo không hay từ nhiều người, tôi đánh liều vay tiền của người anh họ mua 14 con ếch cái và mượn thêm 1 con ếch đực giống để nghiên cứu nuôi thử”, anh Bảy Nữa nhớ lại những ngày khởi nghiệp gian khó.

Từ mười mấy con ếch giống, mấy tháng sau, anh Bảy Nữa đã gây nuôi được hơn ngàn con ếch thịt và 160 ếch giống. Nhờ chịu khó học hỏi và làm ăn uy tín nên sản phẩm ếch giống và ếch thịt của Bảy Nữa liên tục hút hàng. Vào thời gian cao điểm, anh bán ếch giống với giá lên đến 2.200 đồng/con, ếch thịt 85.000 đồng/kg, nhờ vậy mà mỗi tháng anh có lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Nông dân Nguyễn Văn Nữa nhớ lại: “Sau thời gian gắn bó với nghề nuôi ếch, bản thân nhận thấy mình có thể phát triển kinh tế nhờ vào loại thủy sản này, nên tôi đánh liều vay mượn 200 triệu đồng để xây thêm chuồng trại. Lúc đó, cũng nhiều người lời ra tiếng vào nhưng đã làm thì bản thân phải quyết tâm đến cùng. Rồi thành công cũng mỉm cười, nợ nần được trả xong và tôi cất được ngôi nhà khang trang”.

Tạo thêm giá trị mới cho con ếch

Tuy nhiên khoảng năm 2015, khi diện tích nuôi ếch bùng phát ở nhiều nơi khiến giá ếch thịt và ếch giống lao dốc mạnh, có thời điểm giá ếch giống chỉ còn 500 đồng/con và 23.000 đồng/kg ếch thịt (thấp hơn giá thành sản xuất), khiến cho nhiều nông dân phải lâm vào cảnh nợ nần.

“Đã gắn bó với con ếch từ những buổi đầu lập nghiệp, lẽ nào lại bỏ. Rồi lúc đó, tôi được biết trên thị trường người tiêu dùng rất ưa chuộng loại khô nhái, nghĩ bụng nhái làm khô được thì con ếch mà chế biến làm khô thì chắc sẽ ngon hơn, phải tìm cách để con ếch được sinh tồn”, anh Bảy Nữa nhớ lại.

Do thiếu kinh nghiệm và không có chuyên môn trong lĩnh vực chế biến nên những mẻ khô ếch đầu tiên liên tiếp thất bại. Khi thì khô ếch quá cứng và mất đi vị ngọt tự nhiên do chưa sở hữu được công thức tẩm ướp, khiến cho việc bảo quản gặp khó khăn. Hết thất bại này đến thất bại khác đã khiến hơn trăm triệu đồng lần lượt ra đi.

Sau nhiều lần tưởng chừng phải bỏ cuộc, anh đã tìm được công thức làm khô ếch cho riêng mình, bước đầu chất lượng sản phẩm đã ổn định hơn. Thế nhưng, niềm vui đến với đôi vợ chồng trẻ chưa bao lâu thì khó khăn về phát triển kinh doanh cho sản phẩm mới lại ập đến.

Từ chỗ làm ăn kiểu nông dân đơn thuần là sản xuất, bán sản phẩm thô, giờ vợ chồng anh Bảy Nữa phải kiêm thêm nhiều công việc như: chế biến, đóng gói, làm bao bì, đến chuyện tiếp thị, phát triển thị trường... Rồi “cái khó ló cái khôn”, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đi trước về kinh doanh đã giúp anh có thêm kinh nghiệm.

Để mang khô ếch tiếp cận thị trường, vợ chồng anh Bảy Nữa bắt đầu đăng ký tham gia các Phiên chợ Nông nghiệp xanh do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Những phiên chợ đầu, sản phẩm khô ếch của anh vẫn còn xa lạ với người tiêu dùng nhưng anh vẫn kiên trì, hầu như phiên chợ nào cũng có gian hàng khô ếch “made in Tháp Mười” của Bảy Nữa. Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện đã có những khách quen, nhiều đối tác chủ động tìm đến đặt hàng.

Sau mặt hàng khô ếch, anh còn mạnh dạn đầu tư máy móc để làm chà bông ếch. Hai dòng sản phẩm này còn được nhiều gian hàng đặc sản của Đồng Tháp cho lên kệ.

Đều đặn hàng tháng, anh Nữa cung cấp ra thị trường 100kg khô ếch và 200kg chà bông ếch với giá 400.000 đồng/kg và 700.000 đồng/kg. Lợi nhuận hàng năm từ việc nuôi ếch và sản phẩm chế biến lên đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch, anh Nữa tận dụng làm thức ăn cho ba ba nhằm tăng thêm lợi nhuận.

Sắp tới, anh Bảy Nữa dự kiến mở rộng vùng nguyên liệu ếch sạch với tổng diện tích khoảng 13ha ở xã Trường Xuân. Tại đây, ếch nguyên liệu sẽ được nuôi theo quy trình khép kín, tức là ếch được quản lý chặt chẽ từ đầu vào đến khi thành phẩm. Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm ếch chế biến và cung cấp cho các đối tác có nhu cầu ếch sạch với số lượng lớn. “Chỉ có con đường nuôi sạch và chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới có thể làm thay đổi “số phận” của con ếch”, anh Bảy Nữa chia sẻ.

Với những thành tích xuất sắc, tháng 10 vừa qua trong Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, anh Nguyễn Văn Nữa là nông dân duy nhất đại diện Đồng Tháp vinh dự đón nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”. Bên cạnh đó, với những ý tưởng sáng tạo của mình, anh Nguyễn Văn Nữa đã đạt được nhiều thành tích tốt tại các cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh và BSA tổ chức.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn