Huyện Hồng Ngự: Thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản

Cập nhật ngày: 20/09/2016 09:51:57

ĐTO - UBND huyện Hồng Ngự chọn mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Địa phương định hướng cho các hộ nuôi bò phát triển theo hướng tập trung.


Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản dần thay đổi tư duy làm ăn cá thể sang làm ăn tập thể

Toàn huyện có khoảng 7.000 con bò tập trung ở các xã cù lao. UBND huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi đến các hộ dân nên mô hình từng bước phát huy hiệu quả.

Ông Trần Văn Minh, ngụ ấp Long Thạnh A, xã Long Khánh A là 1 trong 4 hộ chăn nuôi bò được UBND huyện Hồng Ngự chọn làm điểm thực hiện mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản trong kế hoạch Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Ban đầu, ông Minh nuôi 11 con bò vỗ béo và bò sinh sản. Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, ông mua thêm 5 con bò. Sau khoảng 1 năm nuôi, bò đẻ được 3 con, xuất bán 7 con bò thịt, lãi 40 triệu đồng.

Ông Minh cho biết: “Tôi được chính quyền địa phương định hướng chăn nuôi theo mô hình bò vỗ béo, bò sinh sản nên đầu tư chuồng trại kiên cố, bố trí nơi cao ráo, thoáng mát và an toàn vệ sinh. Phân bò được các hộ tận dụng để làm phân bón cây hoa màu, cây ăn trái, trồng cỏ để cho bò ăn hoặc bán cho thương lái có thêm khoản thu nhập”.

UBND huyện Hồng Ngự chọn 4 hộ dân ở xã Long Khánh A, thí điểm thực hiện mô hình. Trong thời gian thực hiện, UBND huyện cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hướng dân nông dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Các hộ tham gia mô hình chăn nuôi bằng hình thực nhốt vật nuôi trong chuồng thay vì chăn nuôi thả như trước đây, giúp bò nhanh tăng trọng lượng.

Theo UBND xã Long Khánh A, mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản đã phát triển nhiều ở địa phương. Trước đây, mô hình chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, nhờ thực hiện mô hình theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã từng bước thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân, hướng đến chăn nuôi tập trung và thực hiện đúng kỹ thuật nên đàn vật nuôi phát triển nhanh.

Theo UBND huyện Hồng Ngự, bên cạnh các ngành hàng lúa gạo, cá tra giống, rau an toàn, cây công nghiệp ngắn ngày thì ngành hàng bò được huyện Hồng Ngự chọn làm bước đột phá trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Bước đầu, mô hình không chỉ mang lại hiệu kinh tế cho bà con nông dân mà còn thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang nuôi tập trung quy mô lớn và dần thay đổi tư duy làm ăn cá thể sang làm ăn tập thể.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn