Hiệu quả bước đầu từ việc giảm lượng giống gieo sạ

Cập nhật ngày: 19/09/2016 14:08:57

ĐTO - Với mong muốn hỗ trợ nông dân tiết giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các tỉnh khu vực ĐBSCL và Nam Trung bộ triển khai dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL và Nam Trung bộ”, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.


Nông dân đánh giá cao hiệu quả từ mô hình giảm lượng giống gieo sạ ở huyện Tháp Mười

Tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình giảm lượng giống gieo sạ thực hiện thí điểm trên diện tích 30ha, thuộc ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, có 16 hộ nông dân tham gia. Tham gia mô hình trình diễn, ngoài việc được dự án hỗ trợ 100% chi phí sử dụng giống xác nhận 1 (hỗ trợ 80kg giống/ha), 30% chi phí sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, quan trọng hơn nông dân còn được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn và hỗ trợ các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa hiện nay. Hiện tại, lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, ước tính năng suất đạt trên 6 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 14 triệu đồng, cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 4 triệu đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Hòa, một nông dân tham gia mô hình cho biết: “Cùng kỳ năm trước, thời điểm này ruộng lúa đổ ngã rất nhiều do mưa bão, năm nay, nhờ sạ thưa nên dàn lúa vẫn còn khá chắc chắn. Tham gia mô hình này, điều tôi tâm đắc nhất là cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, số lần phun xịt thuốc cũng giảm hẳn, sức khỏe của mình được đảm bảo hơn. Chỉ có một sự thay đổi rất nhỏ trong quy trình sản xuất nhưng hiệu quả hết sức to lớn. Các vụ sau, dù có được hỗ trợ hay không thì tôi vẫn tiếp tục duy trì mô hình”.

Cùng cảm nhận như anh Hòa, anh Nguyễn Minh Phương ở ấp 1, xã Mỹ Hòa bày tỏ: “Thời gian đầu triển khai, tôi cảm thấy rất lo lắng bởi từ xưa đến giờ nhà nông đã quen gieo sạ từ 150 – 180kg lúa/ha. Nay sạ theo khuyến cáo của nhà khoa học chỉ còn 80kg lúa giống/ha, tỷ lệ quá thấp so với kỹ thuật truyền thống. Tuy nhiên, việc sạ thưa, thành công ngoài mong đợi của tôi. Khi giảm giống thì tất cả các yếu tố đầu vào khác như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đều giảm theo, ước tính tổng chi phí của mô hình mới giảm khoảng hơn 3 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống trước đây”.

Tỉnh Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung được xem là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, giá thành sản xuất lúa toàn vùng khá cao, đây là rào cản lớn khống chế lợi nhuận của nông dân. Ông Huỳnh Minh Phụng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mô hình mang lại hiệu quả thiết thực phù hợp mục tiêu chung trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh là giảm giá thành trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân. Thời gian tới, sẽ triển khai nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh, với mục tiêu giảm lượng hạt giống gieo sạ (đến năm 2020, trung bình còn 80kg/ha trong toàn tỉnh), mặt khác, nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, dù mới triển khai giai đoạn đầu, song hiệu quả mô hình có tác động sâu sắc đến nhận thức của nhiều nông dân. Người nông dân tin tưởng hơn và tự tin khi áp dụng các tiến bộ khoa học mới do nhà khoa học khuyến cáo. Nông dân từng bước nắm bắt được những kỹ thuật cần thiết để thực hiện thành công trong giảm giống và các chi phí khác. Việc giảm lượng giống gieo sạ là tiền đề để nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, bền vững.

Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống lúc gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung bộ” được thực hiện trong 3 năm (2016 – 2018), tại 11 tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL và vùng duyên hải Nam Trung bộ. Dự án được bắt đầu thực hiện từ vụ hè thu năm 2016 tại 6 tỉnh khu vực ĐBSCL là: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng; quy mô thực hiện 30ha/tỉnh. Giống lúa được lựa chọn sử dụng là các giống lúa thuộc vào cơ cấu giống lúa sản xuất ở địa phương và nhu cầu của thị trường tiêu thụ như: OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9, Jasmine 85, RVT.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn