Huyện Thanh Bình

Nông dân Cù lao Tây đầu tư trồng cây ăn trái

Cập nhật ngày: 15/09/2016 06:14:03

ĐTO - Thời gian gần đây, nhiều diện tích vườn tạp, ruộng lúa kém hiệu quả ở vùng Cù lao Tây, huyện Thanh Bình đã được nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đặc sản, bước đầu mang lại thu nhập kinh tế khá cao.


Xoài cát Hòa lộc mang lại thu nhập kinh tế cao cho bà con nhà vườn Cù lao Tây

Ông Nguyễn Văn Đi ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình tâm sự: “Trước đây, gia đình chỉ có hơn 2.000m2 đất ruộng chuyên trồng bí rợ và đậu xanh. Tuy nhiên, do lợi nhuận kinh tế thấp nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Một lần tình cờ thấy người bạn ở tỉnh Bến Tre mang cây xoài cát Hòa lộc về trồng hiệu quả ở vùng đất cù lao này nên tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài cát Hòa lộc. Mặc dù, giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, song nhờ chịu khó học hỏi, đến nay không những xử lý cho xoài ra trái tốt vào vụ thuận mà ngay cả những tháng nghịch mùa, vườn xoài của tôi vẫn cho thu hoạch đều đều”.

Nhờ chuyển sang trồng xoài mà gia đình ông Đi thoát khỏi cảnh nghèo, có điều kiện để lo cho 5 người con ăn học đàng hoàng và còn mua thêm gần 3ha đất. Hiện tại, trung bình mỗi năm với 3ha sản xuất xoài cát Hòa lộc, gia đình ông Đi lãi 900 triệu đồng.

Những năm gần đây, nhiều diện tích vườn tạp kém hiệu quả cũng được người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đặc sản. Hiện nhiều diện tích vườn bước vào giai đoạn “hái trái ngọt”. Vườn xoài cát Hòa lộc của anh Nguyễn Thanh Long ở ấp Tân Dinh, xã Tân Hòa là một trong những trường hợp như thế. Anh Long chia sẻ: “Trước đây, miếng vườn gần 3.000m2 này chỉ trồng toàn bạch đàn, me nước, tre rừng... hiệu quả kinh tế rất kém. Tuy nhiên, khi khu vực này có đê bao khép kín, tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện cải tạo vườn tạp sang trồng xoài cát Hòa lộc. Đến nay, vườn xoài nhà tôi đã 5 năm tuổi và cho thu hoạch được 2 mùa trái. Mỗi công thu hoạch khoảng 1 tấn trái, trung bình 1.000m2 lãi khoảng 30 triệu đồng/năm, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay trồng màu ở đây”.

Nhận định về xu hướng phát triển cây ăn trái ở địa phương, ông Trương Thanh Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình cho biết, Tân Hòa là 1 trong 5 xã Cù lao Tây có diện tích trồng cây ăn trái lớn, với hơn 96ha, tập trung các loại cây ăn trái chủ yếu như: xoài, nhãn, bưởi... Hiện tại, so với cây màu và cây lúa, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Do đó, nhằm tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xã đang triển khai thực hiện kế hoạch “Cải tạo vườn tạp, đất màu và đất lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, những khu vực có đê bao khép kín, gò cao không thích hợp để trồng lúa hay cây màu, địa phương sẽ tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi. Ngoài ra, nhằm giúp nông dân có điều kiện tiếp cận với những kỹ thuật sản xuất cây ăn trái theo hướng hiện đại, UBND xã phối hợp với các ngành chuyên môn huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho nông dân.


Nhiều diện tích trồng cây ăn trái mới phát triển mạnh trong năm 2016 ở xã Tân Hòa

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, tính đến năm 2015, diện tích cây ăn trái toàn huyện là 742ha, chủ yếu là xoài, nhãn, dừa, ổi,... Tuy nhiên, phần lớn diện tích sản xuất cây ăn trái trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện vườn theo quy hoạch, do đó công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật chưa chuyên sâu, chủ yếu nông dân tự học hỏi kỹ thuật. Xác định phát triển kinh tế vườn là một trong những hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, UBND huyện triển khai kế hoạch cải tạo vườn tạp sang vườn cây ăn trái huyện Thanh Bình, giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, đối với vùng Cù lao Tây, huyện Thanh Bình sẽ quy hoạch phát triển diện tích trồng cây ăn trái thuộc các khu vực cặp theo trục lộ giao thông, nằm trong ô bao đường vòng 5 xã Cù lao. Đối với khu vực vùng ven, huyện cũng quy hoạch phát triển vườn cây ăn trái cặp theo trục lộ giao thông, nằm trong ô bao sản xuất 3 vụ (từ kênh 2/9 trở ra Quốc lộ 30).

Ông Nguyễn Văn Thật - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình cho biết, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên đề như: hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật chăm sóc, quản lý thật cụ thể cho từng loại cây ăn trái, biện pháp phòng trừ dịch bệnh gây hại, sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cây ăn trái. Bên cạnh đó, để nông sản có được đầu ra ổn định, thời gian tới huyện cũng tập trung vận động nông dân vào tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu để nông dân an tâm sản xuất.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn