Hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 26/01/2021 10:37:52

ĐTO - UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các trọng tâm là kế hoạch, chương trình về thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển địa phương giai đoạn 2016 – 2020. Qua đó đã tác động tích cực, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.


Các chương trình, hoạt động hỗ trợ các dự án khởi nghiệp

UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, huy động tốt nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể như các chính sách thu hút nguồn lực xã hội; hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; các chính sách về thu hút đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa; về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được triển khai, thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, thành phố cùng các sở, ngành tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, kết nối giới thiệu tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào tỉnh. Đồng thời triển khai, thực hiện các Chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong tỉnh cùng các giải pháp quyết liệt và đột phá trong tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thân thiện. Các chính sách đã tạo lòng tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và thương hiệu của chính quyền, thể hiện qua kết quả đánh giá các Chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, ICT Index, DDCI...  tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư của tỉnh cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Giai đoạn 2016-2020, với sự nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, toàn tỉnh đã phát triển mới được 2.683 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt gần 17 nghìn tỷ đồng (so với giai đoạn 2011-2015 số doanh nghiệp thành lập mới tăng khoảng 26%). Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 4.244 doanh nghiệp đang hoạt động; có 195 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư 19.658 tỷ đồng, tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến ngày 28/12/2020 là 436 dự án. Trong đó, lĩnh vực xã hội hóa có nhiều chuyển biến tích cực, đã huy động nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức đối tác công tư gồm các dự án đầu tư: xây dựng cầu, bến khách; bến xe khách, xe tải; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực y tế; lĩnh vực môi trường.

Trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như: nông sản, dệt may, da giày... Tính đến ngày 28/12/2020, tỉnh có 27 dự án được cấp chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Số dự án đăng ký đầu tư hình thức đấu giá hoặc đấu thầu dự án để triển khai các dự án khu dân cư, đô thị, nhà ở xã hội, hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng có xu hướng tăng, các nhà đầu tư đang phối hợp với các địa phương thực hiện các bước khảo sát, quy hoạch, đề xuất dự án.

Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Chủ động vận dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu. Chú trọng thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp thời gian đầu khởi nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển thông qua áp dụng đầy đủ các chính sách theo quy định của pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, cập nhật kiến thức về thương mại quốc tế, cung cấp thông tin thị trường,...


Công nhân Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại  – Dịch vụ Khánh Thu tham gia sản xuất sản phẩm

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, sở, ngành tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ, thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thay đổi quy trình canh tác theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, đa dạng hóa sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, nhất là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với phát triển các chuỗi ngành hàng của tỉnh. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chính sách xã hội hóa đầu tư trong các ngành, lĩnh vực. Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cũng như thành lập mới một số cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư xuất kinh doanh công nghiệp.

Đồng thời xây dựng các kế hoạch rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, xác lập khu vực phát triển đô thị tại các đô thị trên địa bàn tỉnh để có cơ sở xác định quỹ đất, thực hiện giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư, trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo... Đặc biệt, quan tâm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tập trung ưu tiên triển khai các trục giao thông chính; kết nối với các tỉnh Long An, Tiền Giang theo Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười; tập trung hỗ trợ các địa phương trong tỉnh hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới; đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, du lịch. Tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp quản lý, vận hành hạ tầng cụm công nghiệp, đối với các cụm công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn