Đồng Tháp quyết tâm đưa ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại

Cập nhật ngày: 26/01/2021 10:37:05

ĐTO - Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn song ngành công nghiệp của tỉnh nhà vẫn đóng góp vào 19,71% GRDP tăng thêm (giai đoạn 2016 – 2020) và dự báo tiếp tục giữ vai trò động lực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Tháp trong tương lai. Dù vậy cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ và chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp thời gian qua tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, để ngành công nghiệp tỉnh nhà phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mình trong định hướng phát triển ngành công nghiệp địa phương, Đồng Tháp đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể.


Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại

Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh nhà đến năm 2030 ngành công nghiệp Đất Sen hồng phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu và đến năm 2045 Đồng Tháp phấn đấu trở thành tỉnh có ngành công nghiệp phát triển hiện đại.

Để có thể đạt được thắng lợi những mục tiêu đề ra, Đồng Tháp đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch bố trí không gian công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên phát triển công nghiệp ở khu, cụm công nghiệp; cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Đồng Tháp cũng sẽ chủ động liên doanh, liên kết với các tổng công ty lớn, tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đầu tàu... để dẫn dắt, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ đây đến năm 2030, Đồng Tháp sẽ ưu tiên phát triển các ngành sử dụng những công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa như ngành: chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng (thủy tinh cao cấp, pha lê, sứ dân dụng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát cao cấp...).

Trong giai đoạn 2030 - 2045, địa phương sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong ngành công nghiệp. Quy hoạch khu công nghiệp công nghệ thông tin tại TP.Cao Lãnh hoặc TP.Sa Đéc cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Để tạo tiền đề cho ngành công nghiệp phát triển, Đồng Tháp cũng xác định tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thường xuyên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và DN...

Một trong những mũi nhọn thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu theo hướng hiện đại chính là đầu tư vào nguồn nhân lực. Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt, Đồng Tháp có nhiều kế hoạch trong phát triển nâng chất cho nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp. Trong đó ở giai đoạn tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lao động lành nghề trong các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế. Khuyến khích các DN công nghiệp phối hợp cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật; ưu tiên đào tạo nghề cung ứng cho các ngành: chế biến, cơ khí, tự động hóa... Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn, lao động trong DN nhỏ và vừa; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động và việc làm bền vững.

Phát triển kinh tế bền vững cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế mà Đồng Tháp hướng đến. Do đó, trong định hướng phát triển ngành công nghiệp địa phương, Đồng Tháp chủ trương khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất để phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực có tính cạnh tranh cao; kiên quyết không sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn