Đồng Tháp trên con đường hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

Cập nhật ngày: 31/05/2018 06:17:41

Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của nước ta trong giai đoạn hiện nay.


Mô hình công nghệ cấy mô trong lĩnh vực hoa kiểng ở TP.Sa Đéc. 
Ảnh: Mỹ Lý

Theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020 đã xác định hợp tác quốc tế về KH&CN là mục tiêu, đồng thời là giải pháp quan trọng để góp phần đưa KH&CN Việt Nam sớm đạt trình độ quốc tế.

Là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp là ngành chủ lực trong phát triển KT-XH và chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu các ngành kinh tế, Đồng Tháp đã xác định không có con đường nào khác để góp phần thúc đẩy và phát triển nhanh KT-XH thông qua phát triển KH&CN.

Nhằm chủ động trong hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực mà tập trung là hợp tác về KH&CN để nâng cao trình độ về KH&CN địa phương, góp phần phát triển KT-XH, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã và đang hợp tác với một số Quốc gia có trình độ KH&CN tiên tiến trên thế giới như: Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Trong nội dung hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với các nước, tập trung chủ yếu các vấn đề về phát triển KT-XH địa phương mà trọng tâm là hỗ trợ về KH&CN để áp dụng vào sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp tại địa phương.

Trong các nội dung phát triển KH&CN tỉnh nhà, hợp tác quốc tế về KH&CN luôn được quan tâm và xác định đây chính là con đường “đi tắt-đón đầu” để đưa KH&CN của địa phương bắt kịp trình độ KH&CN các tỉnh trong vùng, các nước trong khu vực, đặc biệt với các nước tiên tiến trên thế giới.

Một số kết quả hợp tác quốc tế về KH&CN nổi bật tại Đồng Tháp trong thời gian qua như: trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tỉnh đã tạo điều kiện và phối hợp với Nhóm nghiên cứu quốc tế (Nhật Bản) thực hiện đề tài khảo sát đánh giá tình hình sử dụng nước ngầm tại Đồng Tháp; phối hợp với nhóm nghiên cứu quốc tế do Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Đoàn chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm công nghệ đất trộn xi măng gia cố đê bao tại huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp). Qua kết quả thử nghiệm thành công, tạo cơ hội cho Đồng Tháp tiếp cận với công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương một cách thiết thực.

Đối với lĩnh vực hợp tác chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động phối hợp tiến hành chuyển giao với các nước có trình độ KH&CN cao. Cụ thể như, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất collagen từ nguồn nguyên liệu sẵn có là da cá tra và được Bộ KH&CN chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Desmet Ballestra (Vương quốc Bỉ) về dây chuyền thiết bị công nghệ cho “Nhà máy tinh luyện dầu ăn” từ mỡ cá tra, basa, tạo ra sản phẩm dầu ăn cao cấp có mặt trên thị trường cả nước hiện nay.

Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ giữa các Quốc gia tiên tiến và hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp và Viện, Trường đại học, các doanh nghiệp trong tỉnh đã kịp thời nghiên cứu việc chuyển giao các thiết bị công nghệ hiện đại, các nước trên thế giới để đưa vào ứng dụng tại địa phương.

Có thể kể đến như Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May Essential bắt đầu triển khai hoạt động nghiên cứu - ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực trích ly, chiết xuất và điều chế các tinh chất chọn lọc từ các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, hướng đến việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho các ngành công nghiệp thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và các lĩnh vực khác có nhu cầu... Các sản phẩm tinh chất nông nghiệp chọn lọc, sau khi nghiên cứu thực nghiệm thành công được DNTN Cỏ May Essential tiến hành sản xuất với quy mô công nghiệp để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, Đồng Tháp đã cử nhiều cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều đợt trao đổi, tham dự hội nghị tại một số nước tiên tiến như: Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan,... theo các chương trình hợp tác KH&CN của Bộ KH&CN.

Nhằm tăng tính chủ động hợp tác song phương, đa phương với các nước trên thế giới, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều đoàn công tác sang các nước có trình độ KH&CN tiên tiến trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc để trao đổi, học tập và ký kết các chương trình hợp tác giữa các bên về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với một số cây trồng chủ lực của tỉnh.

Một số kết quả đạt được như ký kết hợp tác với Hà Lan về hiện thực hóa Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cấy mô đối với hoa, kiểng tại TP.Sa Đéc.

Cùng với cả nước tiến tới hội nhập quốc tế và mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế với nhiệm vụ giúp UBND tỉnh đề ra các chiến lược, kế hoạch, chương trình hoạt động về hội nhập quốc tế, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế. Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho Đồng Tháp tiếp thu KH&CN tiên tiến, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc cùng cả nước CNH-HĐH đất nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế là con đường khai thông thị trường nước ta với khu vực và thế giới, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, có hiệu quả. Qua đó mà các kỹ thuật, công nghệ mới có điều kiện du nhập vào nước ta, du nhập vào Đồng Tháp, đồng thời có cơ hội lựa chọn kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nước ngoài nhằm phát triển năng lực kỹ thuật, công nghệ của địa phương một cách phù hợp và nhanh nhất.

Với ý nghĩa quan trọng đó, trong xu thế hội nhập, Đồng Tháp tăng cường và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về KH&CN nói riêng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, không chỉ đơn thuần là mở rộng giao lưu với các nước mà còn góp phần cùng cả nước phát triển nhanh về kinh tế, khẳng định vị trí KH&CN của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Thái Bình

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn