Cần kế hoạch “dài hơi” cho dự án phát triển rau an toàn

Cập nhật ngày: 28/01/2015 13:21:37

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, dự án phát triển rau theo hướng an toàn đã tạo chuyển biến tích cực, làm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất, diện tích rau an toàn trong tỉnh không ngừng tăng lên. Bước đầu sản phẩm rau an toàn (RAT) đến với người tiêu dùng thông qua một số siêu thị và điểm chợ trong tỉnh. Bên cạnh những kết quả bước đầu thì dự án vẫn còn vướng nhiều khó khăn, rất cần có những giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời từ các ngành nhằm giúp người nông dân an tâm sản xuất.


Sản xuất rau an toàn ở xã Long Thuận huyện Hồng Ngự

Từ thực tế sản xuất tại các vùng chuyên canh RAT cho thấy, nhận thức của nông dân về sản xuất RAT từng bước được cải thiện, sau khi được tập huấn, nông dân đã mạnh dạn vận dụng vào sản xuất. Việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học vào phòng trừ sâu bệnh được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất rau. Chất lượng và năng suất trong mô hình luôn cao hơn các sản phẩm cùng loại trồng ngoài mô hình. Từ đó, tạo cho người dân sự tin tưởng hơn với mô hình sản xuất mới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì mô hình vẫn còn tồn tại những khó khăn, mà đây là nguyên nhân chính khiến cho người nông chưa thật sự mặn mà với mô hình sản xuất RAT.

Năm 2014, diện tích chuyên canh RAT trên toàn tỉnh là 312,5ha, tăng 85,7ha so với cùng kỳ năm 2013, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm đầu ra cho RAT là vấn đề nan giải mà nhiều địa phương đang đối mặt. Hơn 90% diện tích RAT phải tự tìm đầu ra ở thị trường bên ngoài và chịu chung cảnh giá cả bấp bênh như rau thường. Hiện chỉ một phần diện tích rất nhỏ của tổ hợp tác (THT) RAT Mỹ An Hưng B, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò được liên kết bao tiêu từ các siêu thị.

Theo phân tích của Chi cục BVTV tỉnh, trong những năm qua bên cạnh những mặt đạt được thì việc xây dựng vùng chuyên canh RAT ở các huyện vẫn tồn đọng nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Hiện một số địa phương, cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất RAT vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Hệ thống đê bao, bơm tưới chưa hoàn chỉnh nên gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, nguy cơ gây ô nhiễm vi sinh cho rau vẫn còn. Bên cạnh đó, năng lực hoạt động, trình độ quản lý, kinh doanh của các THT, hợp tác xã còn khá hạn chế, vì vậy chưa tạo được sự lan tỏa trong nông dân.

Một trong những nguyên nhân khiến cho dự án phát triển RAT của tỉnh vẫn chưa được như mong đợi trong những năm qua là có một bộ phận không nhỏ nông dân chưa thật sự hăng hái tham gia thực hiện mô hình. Việc tiêu thụ RAT còn bấp bênh, chưa liên kết được giữa sản xuất và tiêu thụ... là những nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến tâm lý sản xuất của người trồng rau.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tô Phước Lập - Tổ Trưởng THT RAT Mỹ An Hưng B, xã Mỹ An Hưng B cho biết: “Hiện nay, trung bình mỗi ngày siêu thị CoopMart Cao Lãnh và VinaFood cần cung cấp từ 200 - 300kg rau, gồm nhiều chủng loại. Tuy nhiên, diện tích hiện tại của THT chỉ vỏn vẹn 0,6ha không đủ đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi đã liên hệ và vận động nhiều nông hộ trong vùng nhằm mở rộng diện tích, tuy nhiên phần lớn bà con vẫn còn ngán ngại với mô hình sản xuất mới này. Mặc dù hiện nay nhu cầu của khách hàng rất cao, song với quy mô như bây giờ thì THT không dám ký kết hợp đồng lớn với các đơn vị trên”.

Theo ông Lê Văn Chấn - Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV tỉnh, để người nông dân yên tâm canh tác rau theo quy trình an toàn, thời gian tới nên có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và thỏa đáng hơn. Ví dụ, đối với những đơn vị đã được chứng nhận có vùng RAT thì nên tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tiếp sức thêm cho đơn vị như: đầu tư nhà sơ chế, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất... hoặc có chính sách về trợ giá đối với những đơn vị đi tiên phong trong việc khai hoang thị trường RAT... Được như vậy thì nông dân mới có thêm động lực yên tâm đầu tư sản xuất.

Ông Chấn cũng thông tin thêm, trong năm 2015, Chi cục BVTV sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất rau theo hướng an toàn với diện tích 360,2ha ở 9 huyện, thị: Hồng Ngự, Thanh Bình, TP.Sa Đéc, Châu Thành, Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung và TX.Hồng Ngự, tăng 80ha so với năm 2014. Dự án phát triển RAT là một dự án lâu dài, năm 2015 là năm cuối giai đoạn I (2008 - 2015) của dự án RAT. Kết thúc giai đoạn I, Chi cục BVTV sẽ tiếp tục làm công tác tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án trong những năm tiếp theo. Trong năm nay, đơn vị sẽ tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất và sơ chế RAT cho các tổ chức, cá nhân và những vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt sẽ phối hợp với một số đơn vị bố trí quầy bán RAT ở tất cả các chợ trung tâm huyện, thị, thành phố và các siêu thị trong tỉnh làm đầu mối liên kết phân phối tiêu thụ RAT cho các vùng sản xuất để chủng loại rau được đa dạng, cung cấp liên tục trong năm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quầy kiểm tra nhanh dư lượng thuốc BVTV ở từng huyện, thị, thành phố, nhất là những khu vực trung tâm, có biện pháp xử lý khi rau không đạt quy định về an toàn, nhằm tạo niềm tin cho người sử dụng.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn