Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, học viên tham gia học tập hệ giáo dục thường xuyên

Cập nhật ngày: 25/10/2018 09:38:40

ĐTO - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chú trọng đến các hoạt động chuyên môn, chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học, nghỉ học, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HS có nhu cầu tham gia học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX).


Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh, một trong những đơn vị điển hình trong dạy và học hệ giáo dục thường xuyên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện do UBND huyện trực tiếp quản lý; 2 Trường Trung cấp nghề - GDTX do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý; 1 Trung tâm GDTX thành phố, 1 Trung tâm GDTX – Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh do Sở GD&ĐT quản lý. Hoạt động quản lý GDTX ở cấp huyện được giao cho Phòng GD&ĐT, Trường THPT với nhiệm vụ thông tin, vận động các HS có nhu cầu, khó khăn về khoảng cách đi lại do ở xa trung tâm huyện, thị xã, thành phố tham gia học tập.

Tại các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông đã tiếp nhận các lớp học viên học hệ GDTX từ các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX và Trường Trung cấp nghề - GDTX chuyển sang học tại các Trường THPT Cao Lãnh 1, Thanh Bình 1 và THPT Tràm Chim. Sau thời gian tiếp nhận, tại các đơn vị trường tình hình dạy và học ổn định, thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như môi trường học tập.

Các trường THPT chiêu sinh các lớp học đầu cấp hệ GDTX cấp THPT, chương trình giảng dạy, đánh giá đúng quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cán bộ quản lý, giáo viên dạy các lớp GDTX cũng đã được bố trí kịp thời dạy HS học hệ GDTX ngay từ đầu năm. Thầy cô giáo có nguyện vọng tận tâm giảng dạy, động viên, giúp đỡ các em, đặc biệt là HS mất căn bản.

Phòng chuyên môn Sở GD&ĐT đã xây dựng chương trình chi tiết, triển khai đến các Trung tâm GDTX theo mục tiêu, khung thời gian quy định. Các đơn vị trường linh hoạt khi dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng, tạo hứng thú cho giáo viên và HS, có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng HS yếu, kém từ đầu năm; quan tâm, tăng cường công tác quản lý, phối hợp giữa trung tâm và gia đình HS.

Đồng thời triển khai, thực hiện các văn bản, hướng dẫn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, giúp HS làm quen với đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, dạy học tích hợp liên môn, tổ chức các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Hội đồng bộ môn tại các đơn vị được củng cố hoạt động, đánh giá rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch, chuyên đề, đề ra các giải pháp mang tính đột phá. Các đơn vị tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm GDTX phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

Công tác phân luồng cho HS sau tốt nghiệp THCS được Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, thực hiện. Trong năm học 2017 - 2018, tỉ lệ HS phải huy động (HS không theo học tại các trường THPT) vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và GDTX là 37%, tăng 6% so với năm học trước. Các đơn vị mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho học viên, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp trong tỉnh; hướng dẫn, khuyến khích các đơn vị mở các lớp theo nhu cầu người học, trong đó thực hiện việc vừa học văn hóa kết hợp vừa học nghề. Kết quả số học viên đăng ký vừa học nghề vừa học văn hóa trong năm học 2017-2018 là 23,56%, tăng 1,91% so với năm 2016-2017.

Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học tỉnh, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác củng cố đội ngũ cán bộ quản lý các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng (VH – HTCĐ). Tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học xóa mù chữ theo phương pháp Reflect và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học tỉnh kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Trung tâm VH - HTCĐ. Qua đó, chấn chỉnh các mặt yếu kém trong tổ chức và hoạt động của các trung tâm, có định hướng để các trung tâm khai thác tối ưu công năng về cơ sở vật chất đã được đầu tư. Nhìn chung, 144/144 Trung tâm VH-HTCĐ cấp xã đều triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại địa phương, có xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hằng năm, tháng.

Công tác quản lý, dạy và học hệ GDTX góp phần quan trọng trong việc xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập, ngăn chặn tình trạng bỏ học, nghỉ học... Đối với hệ GDTX, Sở GD&ĐT, các ngành liên quan tiếp tục có các biện pháp tăng cường công tác quản lý; đẩy mạnh việc dạy tốt, học tốt của giáo viên và học viên; đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, công tác huy động HS đầu năm. Đồng thời đẩy mạnh phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực”, xây dựng trường học an toàn.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn