Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012:
Điểm sàn tăng, nguồn tuyển cũng tăng

Cập nhật ngày: 09/08/2012 16:00:35

Ngày 8-8, Bộ GD-ĐT đã công bố mức điểm sàn đại học, cao đẳng 2012: Khối A và A1 - 13 điểm, khối B - 14 điểm, khối C - 14,5 điểm, khối D - 13,5 điểm. Như vậy, sau 3 mùa thi, lần đầu tiên điểm sàn ở hai khối C và D nhích lên 0,5 điểm. Đây có hẳn là tín hiệu vui cho chất lượng "đầu vào" hay không thì chưa rõ nhưng chắc chắn nguồn tuyển không vì thế mà ít.


Điểm sàn tăng nhưng các trường sẽ không thiếu nguồn tuyển. Ảnh: Bá Hoạt

Nguồn tuyển nhiều hơn

Với mặt bằng điểm sàn đã xác định, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, các trường sẽ không thiếu nguồn tuyển. Mức điểm này được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi tuyển của các trường cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với mức điểm này, tỷ lệ giữa số thí sinh dôi dư (đạt trên điểm sàn và không trúng tuyển nguyện vọng 1) và số chỉ tiêu còn thiếu, được gọi là hệ số dịch chuyển, khá lớn nên các trường sẽ có nguồn tuyển dồi dào.

Cụ thể, ở mức điểm sàn 13, khối A có 109.021 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 trên tổng số 177.060 thí sinh có điểm đạt từ sàn trở lên, tức là còn thừa 66.439 thí sinh không trúng nguyện vọng 1 nhưng đủ điều kiện xét tuyển. Trong khi so với chỉ tiêu tuyển sinh (141.760), khối này còn thiếu 38.456 thí sinh. Như vậy, tỷ lệ giữa thí sinh thừa và chỉ tiêu thiếu là 1,73. Tỷ lệ này đã cao hơn con số 1,6 của năm 2011, có nghĩa là nguồn tuyển sẽ nhiều hơn.

Tương tự, khối A1 có 14.681 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1; số chỉ tiêu còn thiếu là hơn 10.000; số thí sinh dư là hơn 11.000. Như vậy, hệ số dịch chuyển là 1,04. Con số này khá thấp, song theo lý giải của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đây là khối thi mới và hầu hết những trường tổ chức thi A1 đều tuyển khối A. Do vậy, nếu thiếu chỉ tiêu, các trường có thể lấy thí sinh dự thi khối A.

Khối B có 29.224 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1; số chỉ tiêu còn thiếu là hơn 5.800 trong khi số thí sinh dư lên tới gần 60.000, hệ số dịch chuyển lên tới 10,16. Tuy nhiên, khối B thường có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này cao để bảo đảm các trường thi khối B không thiếu nguồn tuyển.

Với điểm sàn khá cao so với mọi năm 14,5 điểm, khối C có 18.600 thí sinh trúng tuyển, còn thiếu hơn 5.100 chỉ tiêu, số thí sinh dư là 13.700. Hệ số dịch chuyển là 2,66. Khối D1 có số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 là gần 45.000; số chỉ tiêu còn thiếu là 15.232, số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển là 44.500; hệ số dịch chuyển là 2,87.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm nay chất lượng thí sinh khối C, D tốt hơn năm trước nên mức điểm sàn đã được cân nhắc tăng lên mỗi khối 0,5 điểm. Còn lại các khối A, B dù điểm thi của thí sinh cũng cao hơn nhưng để bảo đảm nguồn tuyển nhiều hơn năm trước nên điểm sàn vẫn được giữ nguyên như năm 2011.

Khó tuyển không phải do điểm sàn

Trên thực tế, các trường có điểm chuẩn ổn định ở mức khá cao sau nhiều năm qua thường không quá quan tâm tới mức điểm sàn này. Trong khi đó, với các trường vẫn chủ yếu xét tuyển từ mức điểm sàn thì đây là một mốc rất quan trọng với công tác tuyển sinh. Tâm lý chung của các trường này là mong muốn quy định về điểm sàn được bãi bỏ, hay chí ít mức điểm sàn thấp xuống so với năm trước để rộng đường xét tuyển.

Trước lo ngại của các trường khó khăn về nguồn tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, bên cạnh lượng thí sinh trên điểm sàn khá lớn, năm nay các trường sẽ bớt khó hơn với các quy định mới của Bộ GD-ĐT, đó là chủ trương cho các trường xét tuyển nhiều đợt, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước.

Tuy nhiên, đại diện một số trường ngoài công lập cho rằng, việc xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT mới chỉ hợp lý trên lý thuyết. Còn trên thực tế, nhiều trường vẫn không đủ nguồn tuyển bởi sự phân phối không đồng đều lượng thí sinh giữa các vùng miền. Thí sinh ở các thành phố lớn thường không chịu nhập học tại các trường ở vùng sâu, vùng xa, dẫn tới tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Nhưng quan điểm của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, không thể can thiệp vào việc thí sinh trên điểm sàn nhưng không chịu học các trường còn chỉ tiêu. Vấn đề chủ yếu vẫn là các trường chưa thu hút được thí sinh bằng uy tín và chất lượng đào tạo của mình.

Bên cạnh đó, theo Hội đồng điểm sàn, năm nay, ở hầu hết vùng miền, tỷ lệ giữa thí sinh dư và chỉ tiêu thiếu của các trường thuộc vùng đó có thể tự cân đối, nghĩa là số thí sinh thuộc vùng đó mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 hoàn toàn có thể lấp đầy các chỉ tiêu còn thiếu của các trường còn lại trong khu vực đó. Do vậy, nếu có sự di chuyển của thí sinh vùng khác đến tham gia xét tuyển thì sự cạnh tranh giữa các thí sinh sẽ cao hơn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc bãi bỏ quy định về điểm sàn là không khả thi. Bởi với mức điểm sàn như hiện nay, với những thí sinh được ưu tiên cộng điểm ở mức tối đa 3,5 điểm, có thể chỉ cần đạt 9,5 điểm cho cả 3 môn đã đỗ đại học.

HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn