Học nghề có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường

Cập nhật ngày: 18/06/2016 06:09:33

ĐTO - Toàn tỉnh có 23 cơ sở dạy nghề, đào tạo 20.000 học viên/năm. Các cơ sở này từng bước hoàn thiện về quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động (LĐ). Từ đó, người học nghề cũng có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.


Học viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tham gia hội thi tay nghề học sinh

Em Phạm Thanh Nghiệp (ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề Tháp Mười, đi làm công nhân tại Tiền Giang với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Nghiệp cho biết: “Do học phổ thông không giỏi nên em sang học trường nghề để vừa học văn hóa, vừa học nghề. Trước đây, em nghĩ chọn học nghề sẽ dễ xin việc làm hơn. Và em rất vui là ra trường em sớm xin được việc làm. Bạn em, có đứa học đại học cũng làm công nhân chung với em”.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các công ty cao, mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng (tùy theo năng suất làm việc). Trong năm 2015, hệ thống các Trường Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề tỉnh có nhiều thay đổi, đó là việc sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên vào hệ thống cơ sở dạy nghề.

Có 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên sáp nhập vào Trường Trung cấp nghề trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Có 7 Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện còn lại sáp nhập vào Trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND huyện. Các đơn vị đã kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp trong công tác chiêu sinh mở các lớp đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh hơn 20.000 người gồm: hệ cao đẳng, trung, sơ cấp nghề. Một số nghề thuộc chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, đào tạo nghề theo địa chỉ do các doanh nghiệp đặt hàng cũng vận hành tốt, với trung bình hơn 5.000 học viên, người LĐ tham gia/năm.

Cùng với công tác tuyển sinh, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cũng được thực hiện với cơ chế cho phép liên kết đào tạo với các trường có uy tín, thương hiệu. Để học viên đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường, các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên học nghề chặt chẽ. Mỗi trường đều xây dựng quy chế đánh giá trình độ học viên học nghề, sản phẩm thực hành nghề.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hệ nghề đạt trên 99,95%, số học sinh xếp loại giỏi, suất sắc đạt 25,77%, còn lại xếp loại khá, trung bình. Chất lượng dạy nghề chuyển biến tích cực, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm đạt trên 75%, mức thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh thuận lợi, công tác vận động tuyển sinh hệ đào tạo nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: tâm lý người dân muốn cho con em vào học đại học; một số địa phương tỷ lệ học sinh phân luồng sang học nghề sau tốt nghiệp THCS chiếm tỷ lệ rất thấp, có nhiều nơi không có học sinh học nghề mà các em chọn đi làm LĐ phổ thông;...

Để có việc làm, ổn định thu nhập thì thì học nghề được xem là một trong những giải pháp tốt cho nhiều thanh niên. Do đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục kiện toàn đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường mở lớp bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, phấn đấu 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định; chủ động liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp học viên giảm áp lực về chi phí học tập;...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn