Món ăn đại bổ từ vịt

Cập nhật ngày: 07/07/2012 15:32:09

Theo y học cổ truyền, thịt vịt vị ngọt, hơi mặn, tính lương (mát). Công hiệu thanh nhiệt giải độc, tư âm giáng hỏa, chỉ lỵ ra máu. Đặc biệt có hiệu quả trị liệu rõ rệt đối với các bệnh có sốt, sởi, trừ khử thử nhiệt.

Thịt vịt thích hợp với người bị chứng ăn kém, đại tiện táo, họng khô miệng khát, ra mồ hôi trộm, phù nề, nam giới di tinh, phụ nữ kinh nguyệt ít. Theo y học cổ truyền, vịt có nhiều loại được chọn dùng tùy theo mục đích: Vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện. Vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Nói chung để làm thuốc thì dùng thịt vịt mái già.

Một số món ăn thuốc từ thịt vịt có giá trị chữa bệnh

Vịt nấu trần bì đại bổ nguyên khí: Vịt một con 1kg, trần bì 10g, hoàng kỳ 30g. Các gia vị gừng, hành, dầu hạt cải, tương rượu, muối, bột ngọt… Vịt làm sạch, bôi nước tương lên da, rán trong dầu hạt cải, xong rửa sạch dầu mỡ đặt lên đĩa cho vào nồi đất. Cho lượng nước vừa đủ: trần bì, hoàng kỳ cho vào bao vải, rồi cho các vị còn lại vào nồi. Hầm vịt chín, chắt lấy nước đổ lên vịt đã chặt miếng. Thích hợp với người tỳ vị hư nhược.

Vịt hấp đông trùng hạ thảo bổ thận ích tinh: Vịt trống già một con, đông trùng hạ thảo 10g, rượu, gừng, hành, muối tiêu vừa đủ. Vịt làm sạch, rạch từ đầu thẳng xuống cổ, cho 3g đông trùng hạ thảo vào lấy dây buộc lại. Còn lại tất cả cho vào bụng (đã bỏ hết lòng), để vào bát lớn, đặt vào nồi hấp cách thủy cho chín. Thích hợp với người di tinh, yếu dương, lưng gối yếu mỏi, ra mồ hôi nhiều.

Canh vịt nấu đan sâm hoạt huyết: Thịt vịt 100g, đan sâm 50g. Vịt làm sạch chặt miếng, nấu 60 phút cùng đan sâm bỏ vào túi vải hoặc nấu đan sâm riêng 30 phút, chắt nước cho vào nồi canh vịt nấu thêm ít phút. Chia 2 lần ăn sáng, chiều. Thích hợp với người bị trúng phong bán thân bất toại.

Canh vịt hà thủ ô - hoa hoè: Thịt vịt 100g, hà thủ ô 30g, hoa hoè 50g. Thích hợp với người già bị trĩ chảy máu.

Vịt nấu bát bảo chắc răng kiện tỳ: Vịt trắng một con (1.500g) bỏ lòng, mè đen, đào nhân, tang thầm, ngó sen, hạt khiếm thực, táo đỏ, ý dĩ, mỗi vị 20g. Cho gạo nếp đầy bụng vịt cùng rượu vang, gia vị, tất cả cho vào bụng vịt khâu lại. Đặt vịt vào bát to, nêm rượu, gia vị và ít nước, hấp cách thủy cho chín, (khi ăn tháo chỉ). Thích hợp: bổ thận, kiện tỳ, chắc răng, chữa gầy yếu suy nhược, xích bạch đới.


Vịt nấu bát bảo có tác dụng kiện tỳ, bổ thận

Vịt hấp ngọc trúc chữa tiểu đường:

Vịt mái già một con (1.500g), ngọc trúc 50g, mạch môn đông 50g, rượu vang 30g. Thuốc cho vào túi vải buộc miệng ngâm nước lạnh 3 phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại đặt vào bát to rồi cho vào nồi hấp tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra vắt lấy nước. Thích hợp với người bị tiểu đường, âm hư, miệng khát, uống nhiều nước.

Vịt hầm bách hợp bổ phổi: Vịt mái già một con, bách hợp tươi 300g, gia vị. Vịt mổ bụng bỏ lòng đã làm sạch, cho bách hợp vào bụng tưới 2 muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thủy cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp. Thích hợp với người bị viêm phế quản mạn, ho hen, khạc ra máu, ho lao.

Canh vịt đỗ trọng hạ áp: Thịt vịt 100g nấu 30 phút, gia đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt mộc nhĩ, nước canh, bỏ đỗ trọng. Thích hợp với người bị huyết áp cao, đau đầu, chóng mặt, tâm phiền, mất ngủ, hay quên.

Vịt hầm sa sâm dưỡng da: Vịt mái già một con, sa sâm 50g, ngọc trúc 50g, gia vị. Vịt mổ bụng làm sạch (bỏ lòng) hai vị thuốc cho vào túi buộc miệng cho vào bụng, gập đầu vào bụng, buộc lại. Hầm chín. Thích hợp với người da khô ráp thể âm hư, chảy máu cam, âm hư hỏa vượng, táo bón.

Vịt ý dĩ chữa da khô ngứa: Vịt một con, hoàng kỳ 20g, đẳng sâm 20g, ngọc trúc 30g, ý dĩ 50g. Cho các vị vào bụng vịt rồi buộc lại. Cho vào nồi cùng nước, ít rượu, tiêu, muối. Nấu chín ăn cách nhật. Liệu trình 10 ngày.

Theo SK&ĐS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn