Tổng kết năm - Đến hẹn lại lên

Cập nhật ngày: 28/12/2016 06:40:51

ĐTO - Đến hẹn lại lên, những ngày cuối năm, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tất bật tổ chức tổng kết 1 năm thực hiện nhiệm vụ.

Đã thành thông lệ, hội nghị tổng kết được mở đầu bằng phần nghi thức, tiếp theo là đọc báo cáo tổng kết gồm đặc điểm tình hình thế giới, trong nước, địa phương, kết quả được chứng minh bằng hàng loạt số liệu, có cả số lẻ, phương hướng nhiệm vụ đề cập từ chuyện vĩ mô đến vi mô. Nói chung báo cáo càng dài càng tốt, thể hiện những thành tích rực rỡ trong năm qua và tầm nhìn của lãnh đạo trong năm tới. Chủ tọa gợi ý thảo luận. Phát biểu thảo luận là những người đã được gợi ý trước với bài tham luận viết sẵn. Phát biểu chỉ đạo của cấp trên là nội dung không thể thiếu. Trước khi chủ tọa phát biểu kết luận là khen thưởng với phần lớn người được khen là đa số lãnh đạo (điều này cũng dễ hiểu vì khen thưởng có chỉ tiêu, trong khi xét thành tích thì nhân viên không thể bằng thủ trưởng).

Thời gian hội nghị thường không đảm bảo do đại biểu đến trễ, do báo cáo đã dài lại đọc toàn văn, do có ý kiến thảo luận không đường ra, do kết luận của chủ tọa gần như nhắc lại nội dung báo cáo...

Cuối cùng là liên hoan. Dù kinh phí khó khăn cùng chủ trương tiết kiệm nhưng lãnh đạo cũng cố gắng để anh em có bữa cơm thân mật, bằng kinh phí cơ quan hoặc xã hội hóa, góp gạo nấu cơm chung, càng vui vẻ, tạo đà cho năm mới thắng lợi mới.

Tuy nhiên, có không ít nơi tổ chức hội nghị tổng kết năm không theo qui định bất thành văn như trên, mà đã cải tiến để nâng tính hiệu quả, như gởi tài liệu giấy hoặc qua email trước cho đại biểu, vào hội nghị chủ tọa phát biểu ngắn gọn, dành thời gian thảo luận với những nội dung sát sườn. Có nơi tổng kết bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của đại biểu nếu tập trung, số người dự đông hơn, cấp dưới không phải triển khai lại; khỏi tổ chức liên hoan.

Tổng kết năm là cần thiết để rút ra chuyện hay dỡ, từ đó bàn nhiệm vụ, giải pháp để đạt nhiều thành tích hơn nữa chớ không phải làm cho có, phô trương, hình thức, dẫn đến lãng phí, trước hết là lãng phí thời gian, mà thời gian được ví như vàng bạc.

Về việc tiết kiệm thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”, “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó”.

Trong cuốn sách “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát hành năm 2007), câu chuyện “Thời gian quí báu lắm” là minh chứng sinh động về việc tiết kiệm thời gian của Bác trong chuyện họp.

Toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, do đó việc tổ chức tổng kết năm hiệu quả, tiết kiệm cũng là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn