Chú trọng thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển địa phương

Cập nhật ngày: 24/12/2016 06:44:30

ĐTO - Thời gian qua, việc huy động nguồn lực toàn xã hội để đầu tư phát triển đã đạt được kết quả khá tốt. Tổng nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Đồng Tháp đạt 49.436 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước chiếm 33,6%, khu vực tư nhân chiếm 66,4%. Tỷ trọng vốn đầu tư bình quân đạt 20,9% GRDP của địa phương. Nguồn lực đầu tư công được tập trung vào hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đáp ứng theo yêu cầu phát triển của địa phương; các đô thị được chỉnh trang và đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo tiền đề để phát triển thành các đô thị hiện đại. Nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cũng có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Một số bệnh viện, trường học do tư nhân đầu tư đã đưa vào hoạt động. Các dự án xử lý rác thải đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện, đặc biệt là sự đóng góp của toàn xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.


Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển vẫn còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn ở mức thấp; chưa có những công trình hạ tầng quy mô lớn được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hoặc theo hình thức đối tác công tư. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển thương mại, du lịch; đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm nông nghiệp (xoài, lúa, cá, vịt, hoa kiểng). Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong mọi người dân. Huy động tối đa sự tham gia đóng góp của người dân, cộng đồng vào các chương trình, dự án phục vụ an sinh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng biên giới. Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển khoảng 108.850 tỷ đồng, chiếm 25% GRDP của tỉnh, trong đó vốn đầu tư công khoảng 18.357 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn; tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 25.000 tỷ đồng.

Do đó, các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Vận dụng tốt các chính sách khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao giá trị gia tăng của từng sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện quy hoạch, triển khai nhanh các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt để tạo quỹ đất sẵn sàng cho các dự án đầu tư. Hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về đất đai để sẵn sàng giới thiệu địa điểm phù hợp và cung cấp thông tin liên quan cho nhà đầu tư. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển các dự án cấp nước, xử lý nước thải, giáo dục, dạy nghề, hạ tầng khu dân cư theo hình thức đối tác công tư; nhượng quyền khai thác các cơ sở y tế, văn hóa, thể thao của Nhà nước đã đầu tư nhưng không cần trực tiếp quản lý... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

HỒNG NGỰ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn