Lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng

Cập nhật ngày: 24/08/2015 11:33:42

Nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thực hiện đạt và vượt hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tháp Mười đã đề ra.


Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Một số kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tháp Mười nhiệm kỳ 2010 – 2015 là sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa và liên kết. Theo đó, địa phương thực hiện được 82 cánh đồng liên kết với tổng diện tích 13.845,12ha. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản năm 2015 tăng 1,27 lần so với năm 2010; sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt 600.000 tấn, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70%. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được đưa vào áp dụng có hiệu quả như: diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng trạm bơm điện chiếm gần 94% trên tổng diện tích sản xuất lúa của huyện; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa chiếm trên 98%.

Lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn năm 2010 - 2015, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 170,33km đường giao thông; xây dựng 79 cây cầu với tổng chiều dài 4.867m, tổng kinh phí đầu tư trên 162 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành thi công sửa chữa cầu, đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng; vận động thực hiện mô hình thắp sáng đường quê được 262,48km, kinh phí hàng chục tỷ đồng... Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 61,9% và số còn lại từ các nguồn xã hội hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thay đổi diện mạo nông thôn gắn với nâng cao đời sống của người dân.

Công nghiệp - xây dựng của Tháp Mười tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển như: xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp thương mại dịch vụ Trường Xuân, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và đã thu hút hàng chục dự án đầu tư, trong đó nhiều dự án đi vào hoạt động như: Nhà máy may giày xuất khẩu tại khóm 1, thị trấn Mỹ An với diện tích 24.107,4m2 của Công ty TNHH Tỷ Thạc; nhà máy sấy, xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân với diện tích 60.000m2 của Công ty TNHH MTV kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên... đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,22 lần so với năm 2010.


Một góc của thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười

Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của huyện Tháp Mười phát triển từng bước đi vào chiều sâu, hệ thống trường lớp được đầu tư, nâng cấp. Công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh được chú trọng thực hiện đạt kế hoạch hàng năm. Chất lượng giáo dục được giữ vững và có những chuyển biến rõ rệt, luôn đứng vị trí cao của tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng được cải thiện; mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ không ngừng phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin về việc làm, tổ chức dạy nghề, đã giải quyết việc làm hàng năm cho trên 4.500 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,74%.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện Tháp Mười đặc biệt quan tâm đến giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết số 12 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần ngăn ngừa tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng cấp ủy, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Dũng Chinh

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã thể hiện vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động các cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ngày càng đi vào thực chất. Việc phát triển đảng viên đạt kết quả đáng kể, đã kết nạp được 1.523 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ hiện nay là 4.180 đồng chí, chiếm 3,02% dân số.
< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn