ĐUA XE ĐỊA HÌNH QUỐC TẾ - ROUN FOREST CHALLENGER VIET NAM 2015:

Xuyên rừng, vượt suối, dốc cao, hố sâu

Cập nhật ngày: 11/11/2015 12:23:39

Giải đua ôtô địa hình Rain Forest Challenge (RFC), được xem là cuộc phiêu lưu mạo hiểm bật nhất thế giới. RFC Vietnam 2015 lần đầu tiên diễn ra tại phía Nam với địa hình mới lạ và hiểm trở ở Bình Dương và Bình Phước. Giải diễn ra từ ngày 1 - 7/11 với nhiều bài thi đầy thử thách, kịch tính, hấp dẫn.


Xe vượt chướng ngại vật. Ảnh: Quốc Tài

Giải đua xe địa hình quốc tế RFC Vietnam 2015 được Công ty Minh Giang Auto mua bản quyền từ Malaysia và phối hợp với tỉnh Bình Dương và Bình Phước tổ chức. Giải năm nay quy tụ 32 đội đua Việt Nam cùng 4 nước: Thái Lan, Lào, Malaysia và Brunei tranh tài. Các tay đua offroad thi đấu ở các bài thi với độ thử thách nguy hiểm khác nhau trên cả địa hình nhân tạo và tự nhiên tại Bình Dương và Bình Phước. Đây là giải đấu nằm trong hệ thống đua địa hình toàn cầu với sự kiện chính tại Malaysia vào tháng 12 hàng năm.

Ngày thi đấu đầu tiên diễn ra 4 nội dung đua từ S1 đến S4 ở Bình Dương. Đường đua năm nay có độ khó cao nên thử thách các tay đua với hố sâu, vực cao, bên cạnh là vượt suối. Các vận động viên (VĐV) đã thực hiện những bài thi đầy tính cống hiến, hết sức ngoạn mục và hấp dẫn.

Trong đua địa hình luôn đề cao tính mạo hiểm với chướng ngại vật rất khó nên các VĐV gặp tai nạn là chuyện thường tình. 2 VĐV nữ duy nhất tham gia giải người Thái Lan điều khiển xe màu hồng đã bị lật úp ngay bài thi SS1 đầu tiên. Rất nhiều xe đã không thể vượt qua suối ở bài thi SS4. Ngoài những sự cố thì người xem thật sự mãn nhãn với các bài thi tuyệt vời của các tay lái offroad khi điều khiển xe vượt suối với các vật cản là đá tảng, vượt dốc và băng qua hố sâu. Tiếng gầm rú của động cơ, kỹ thuật lái xe siêu việt và tinh thần dũng cảm, gan lì của các VĐV trong từng động tác chinh phục các thử thách đã thật sự làm say mê người hâm mộ.

Trong cuộc đua này, các đội đua đến từ Thái Lan được các chuyên gia đánh giá cao nhất cho khả năng chiến thắng, giành các danh hiệu chung cuộc. Thái Lan sở hữu xe có động cơ mạnh, thân xe nhẹ, gầm cao cộng với sự kết hợp ăn ý giữa lái chính và phụ nên thể hiện sự vượt trội ở hầu hết các nội dung leo dốc, vượt thác, lội suối. Các tay lái của Thái Lan với kỹ thuật hoàn hảo, kinh nghiệm dày dạn do kinh qua nhiều giải RFC quốc tế tại Thái Lan, Malaysia, Nam Phi nên luôn thể hiện khả năng làm chủ đường đua, đạt thông số thời gian thấp, ít bị lỗi hơn so với các đối thủ. Còn đội Lào mang đến chiếc xe hình bò tót độc nhất vô nhị. Chiếc xe lạ đã thu hút mọi ánh nhìn của người hâm mộ. Tuy nhiên, về tính năng thì chiếc xe độc của Lào không vượt trội so với các xe Việt Nam.

Ở phần thi Twilight Zone (xuyên rừng) tại Bù Đăng (Bình Phước) các đội đua phải tự trang bị tất cả mọi thứ cần thiết để vượt rừng, lội suối, leo dốc và cả ăn uống, nghỉ ngơi giữa rừng sâu. Các đội đua cũng không được biết trước đường đua mà phải dùng định vị hoặc lần theo kí hiệu của Ban tổ chức . Chặng đua cuối này rất mạo hiểm với nhiều dốc cao, vực sâu và đường rừng rất khó chạy.

Theo quy định thì các xe phải về đích trước 48 giờ mới có điểm. Xe về đầu có thành tích tốt nhất được 100 điểm, thứ tự được tính theo trình tự về đích. Còn xe về cuối cùng mà trong thời gian cho phép cũng được 20 điểm. Có những dốc cao cả 100m, phải dùng tời kéo đến 2-3 giờ mới qua được, một số xe gặp sự cố phải tự sửa chữa giữa rừng. Theo đánh giá của chuyên gia Malaysia LIEW thì đường đua Roun Forest Challenger Việt Nam 2015 khắc nghiệt không thua gì các tour ở Malaysia hay Thái Lan. Còn về kinh nghiệm độ xe và vượt địa hình thì các đội đua Việt Nam có tiến bộ nhưng còn phải trau dồi nhiều hơn nữa.

Các đội xe trong nước như Minh Giang (TP.HCM), Song Long, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nội cũng thể hiện sự quyết tâm và có nhiều tiến bộ trong thi đấu. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở khiến không ít xe phải nằm lại không hoàn thành bài thi và phải nhờ đến cứu hộ đưa xe ra.

Theo chuyên gia Daniel Liew thì đua xe địa hình không đơn thuần là giải đấu thể thao mà việc phát triển loại hình Offroad này còn giúp nâng cao công tác cứu hộ, cứu nạn. Vì có những tai nạn xảy ra ở vùng rừng, núi, các phương tiện khác không đến được. Lúc đó thì chỉ có xe địa hình mới phát huy tác dụng. Rain Fogest Challenger là môn thể thao mạo hiểm, nhưng phải đi kèm với công nghệ tổ chức, các tiêu chuẩn an toàn phải đặt lên cao nhất thì mới bảo đảm sự thành công cho giải. Rất mừng là giải đã đạt được yêu cầu đề ra và thành công tốt đẹp.

Hai nội dung cuối cùng ở cuộc đua xe địa hình quốc tế năm nay thật sự quá mạo hiểm đối với các tay lái offroad, chính vì thế mà chỉ có 2 xe vượt qua được cung đường cuối cùng SS16 là xe của Thái Lan và xe của Bình Dương. Kết quả chung cuộc: xe 233 của Thái Lan với 2 VĐV Natthapon và Syan dành ngôi quán quân với 1.537 điểm; xe 110 của Câu lạc bộ Hà Nội với lái chính Nguyễn Hồng Vinh và lái phụ Joo Leong (người Malaysia) đoạt giải nhì, vị trí thứ 3 thuộc về xe 230 cũng của Thái Lan. Ba đội này cũng đoạt luôn giải xuất sắc dành cho xe dưới 3 ngàn phân khối. Tổ chức thành công cuộc đua địa hình quốc tế năm nay, hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hứa hẹn sẽ tiếp tục đăng cai Roun Forest Challenger 2016.

Ngọc Bền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn