Từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường tại các “điểm đen”

Cập nhật ngày: 02/10/2015 12:46:02

Nhiều năm qua, làng nghề sản xuất gạch ngói xã An Hiệp, huyện Châu Thành hay làng bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc là những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ áp dụng nhiều giải pháp cải thiện môi trường nên vấn đề ô nhiễm nơi đây từng bước được khắc phục.


Vấn đề ô nhiễm tại các lò gạch xã An Hiệp đã từng bước được khắc phục

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và UBND TP.Sa Đéc đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, trong đó có việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lí nước thải ở khu vực làng bột kết hợp với chăn nuôi heo tại xã Tân Phú Đông. Môi trường nước, mùi hôi đã được cải thiện đáng kể, không còn là điểm nóng, gây ảnh hưởng đến người dân. Theo ông Phạm Việt Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp, hiện nay Sở TN&MT đang kết hợp với TP.Sa Đéc triển khai đề án xử lí, nước thải, chất thải của làng nghề sản xuất bột kết hợp với chăn nuôi heo ở Tân Phú Đông. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Tại huyện Châu Thành, với hơn 260 miệng lò sản xuất gạch nung theo kiểu truyền thống, làng nghề sản xuất gạch xã An Hiệp đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động chuyển đổi công nghệ và thay thế nguyên liệu sản xuất, số lò gạch nung bằng công nghệ lò cải tiến Hoffman đã chiếm hơn 90%. Với công nghệ sản xuất mới góp phần làm giảm tối thiểu lượng khói, bụi, hạn chế việc ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đặc biệt, địa phương cũng đang tích cực thực hiện đề án xử lí giảm thiểu ô nhiễm do Bộ TN&MT chủ trì. Ông Võ Phước Tuấn - Chủ cơ sở Đức Thành 8, xã An Hiệp cho biết: “Lúc trước, cơ sở của tôi sản xuất theo kiểu cổ truyền, chụm thủ công hay chụm vỉ. Giờ chuyển qua chụm bằng máy, ngọn lửa đều hơn, ít hao nhiên liệu hơn,... Qua đó giúp cơ sở giảm được chi phí sản xuất”.

Ngoài các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gắn với sản xuất, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại nhiều điểm gây ô nhiễm liên quan đến các bãi rác thải và xử lí rác thải y tế... Theo quy định, để một cơ sở thoát ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải có giải pháp khắc phục hiệu quả, bền vững dựa trên dự án cụ thể được Bộ TN&MT phê duyệt. Hiện nay, tỉnh đang lập nhiều dự án có liên quan để từng bước đưa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi “danh sách đen”. Ông Phạm Việt Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, Sở TM&MT phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường để hạn chế mức thấp nhất việc phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn các thủ tục để những đơn vị đã hoàn thành về xử lý ô nhiễm môi trường sẽ được xóa khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Việc thúc đẩy khắc phục ô nhiễm tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có ý nghĩa lớn trong việc cải thiện môi trường. Đây cũng là nỗ lực của các ngành trong việc thực hiện phương châm “Cùng chung tay bảo vệ môi trường”, cải thiện hình ảnh địa phương mà tỉnh ta đang hướng đến.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn