Văn hóa ứng xử trong giao tiếp của cảnh sát giao thông đừng để giảm sút lòng tin của nhân dân

Cập nhật ngày: 02/10/2015 12:44:46

Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường hay tại trụ sở làm việc, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) luôn phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Song, đâu đó vẫn còn cán bộ, chiến sĩ CSGT có những lời lẽ khiếm nhã, luôn nghĩ mình đúng, thay vì có những giải thích đối với người vi phạm giao thông, phải đi đứng, chào hỏi và làm việc với người dân cho đúng mực.


Tuần tra giao thông trên Quốc lộ 30

Còn nhớ, vào năm 2012, một lần tôi tham gia giao thông bằng xe mô tô trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, tại một ngã tư, có người đàn ông luống tuổi vượt đèn đỏ và bị CSGT còn trẻ, ra hiệu lệnh dừng xe. Sự việc sẽ không có gì bất thường nếu người CSGT kia không “ném” về phía người vi phạm những câu nói mà lẽ ra nếu có văn hóa trong giao tiếp, anh ta sẽ không bao giờ được nói: “Già rồi mà còn đi bố láo!”. Thế là sinh chuyện. Người CSGT lập tức gặp phản ứng không chỉ của người vi phạm mà còn của rất nhiều người dân đi đường. Tương tự như thế, trong một lần chứng kiến một chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ chỉ huy giao thông, thấy một bác chừng 60 tuổi dừng xe máy đè lên vạch sơn, người cán bộ CSGT đã không những không giải thích mà còn khoanh tay trước ngực, hất hàm buông ra một câu gọn lỏn: “Không có mắt à!”. Cách ứng xử thiếu văn hóa của người CSGT nọ đã làm xấu đi hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong mắt của những người đi đường.

Hiện nay, một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ CSGT thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa sút phẩm chất đạo đức, thoái hóa biến chất, vi phạm kỷ luật, nhận hối lộ, nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch với nhân dân, có thái độ, cử chỉ lời nói không đúng mực để người dân phê phán, gây ra phản ứng trong dư luận xã hội và quần chúng nhân dân. Bản thân có thời gian công tác thực tế trong lực lượng CSGT đã hơn 19 năm nên tôi nhận thấy khi người dân đến làm thủ tục đăng ký xe hoặc đến nộp phạt thì cán bộ làm công tác đăng ký và cán bộ xử lý đôi khi còn to tiếng với dân, có những lời lẽ quát tháo khi người dân thiếu thủ tục nào đó, thậm chí có thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân và thực tế đã có không ít đơn thư của quần chúng nhân dân gửi đến lãnh đạo đơn vị để phản ánh.

Trong công tác tuần tra kiểm soát giao thông và điều tra giải quyết tai nạn giao thông không ít cán bộ, chiến sĩ CSGT có thái độ, cử chỉ, lời nói thiếu khiếm nhã, không đúng mực, không quan tâm, chú ý khi người dân trình bày sự việc. Quá trình giải quyết công việc còn cứng nhắc để nhân dân phải đi lại nhiều lần trong khi có thể linh động giải quyết sớm cho họ. Có những sự việc còn gây bức xúc trong quần chúng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với ngành công an nói chung và lực lượng CSGT nói riêng. Đó là những biểu hiện của một lối sống, một phong cách làm việc thiếu văn hóa, không đẹp trong mắt của nhân dân, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chống lại lực lượng CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ thời gian qua.

Trước tình hình đó, lực lượng CSGT phải làm gì để lấy lại uy tín trước nhân dân, để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân? Theo tôi, chú trọng nâng cao văn hóa ứng xử cho CSGT là việc làm cần thiết, vì không những góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CSGT mà còn tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội đối với CSGT. Để làm được điều đó, trước hết mỗi cán bộ CSGT cần nhận thức đúng và đầy đủ về kỹ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa, đây chính là phương tiện quan trọng để thực hiện giao tiếp có hiệu quả. Trên cơ sở đặc điểm đối tượng quan hệ tiếp xúc, tính chất, nghề nghiệp, yêu cầu nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ CSGT cần ý thức được rằng phải thường xuyên, liên tục phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết về chính sách, pháp luật, nghiệp vụ, xã hội về mọi mặt, đủ điều kiện để quan hệ, tiếp xúc giải quyết tốt những tình huống phát sinh trong thực thi nhiệm vụ; luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý thông tin khi tiếp xúc quan hệ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo và giữ vững lòng tin, sự tín nhiệm của nhân dân đối với CSGT.

CSGT cần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của CSGT thành hay bại đều lệ thuộc vào khả năng dân vận, trình độ quan hệ giao tiếp khi giải quyết công việc được giao, từ đó tạo dựng được niềm tin trong nhân dân. Đồng thời để vững tin và có đủ điều kiện, khả năng giao tiếp ứng xử, CSGT phải thường xuyên nghiên cứu học tập, trau dồi kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức xã hội mọi mặt nhằm nâng cao trình độ năng lực hiểu biết, phẩm chất, phong cách, lối sống, sinh hoạt làm việc theo pháp luật, đây được coi là những công cụ trong giao tiếp có văn hóa.

Trong công tác của CSGT có những đặc thù riêng và không kém phần khó khăn, cam go, nguy hiểm, thường xuyên làm việc trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, chịu đựng nắng mưa, gió bụi. Đối tượng tiếp xúc của lực lượng CSGT là những người tham gia giao thông đa dạng và phong phú về lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội, khả năng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Đã có rất nhiều trường hợp coi thường, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT và tìm cách trốn tránh, năn nỉ, nhờ cậy mối quan hệ để can thiệp hoặc dùng những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ CSGT, có những lời đồn thổi sai sự thật, dị nghị về CSGT đánh mất lòng tin trong nhân dân. Vì vậy, khi thi hành nhiệm vụ, chỉ một lời nói, cử chỉ, hành động không đúng mực của CSGT dễ dàng trở thành những tiêu điểm để người vi phạm soi xét, xuyên tạc, thậm chí còn chống đối, gây khó khăn cho lực lượng CSGT. Do đó lực lượng CSGT cần giữ vững bản lĩnh, phong cách nghề nghiệp, bình tĩnh, sáng suốt trong xử lý vụ việc một cách có văn hóa để vừa hoàn thành tốt công việc được giao, vừa hợp lòng dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Lê Thanh Sang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn