Từ mua vé qua cầu B.O.T đến xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 02/10/2015 05:17:31

Không ít người dân qua lại cầu Sông Cái Nhỏ và cầu Tân Nghĩa ở huyện Cao Lãnh hỏi: chừng nào ngưng thu phí qua cầu. Vấn đề càng trở nên nóng tại các buổi tiếp xúc cử tri hoặc gặp gỡ lãnh đạo địa phương từ sau khi Chính phủ chủ trương ngưng thu phí qua cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ.

Khi việc đi lại bị cách trở bởi sông rạch, ông bà ta tổng kết: “qua sông thì phải lụy đò”. Nếu vẫn đi đò như ngày xưa, muốn đến Bình Thạnh, Gáo Giồng, Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh) hoặc ngược lại, phải chờ đò và trả tiền đò. Nửa đêm có việc gấp như cấp cứu, phải khản giọng gọi đò. Xe tải trọng 2 tấn trở lên không thể qua đò.

Từ khi có cầu Sông Cái Nhỏ, nhà vườn Bình Thạnh giảm đáng kể chi phí trung chuyển trái cây qua Quốc lộ 30. Vật tư, hàng hóa đi đến khu vực bờ bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp giảm giá thành; du khách đến Khu Du lịch Gáo Giồng có nhiều thời gian thưởng ngoạn do không phải chờ đò hoặc đi tắc ráng từ sau khi có cầu Tân Nghĩa.

Hiện nay, để qua lại kênh Nguyễn Văn Tiếp, nếu bằng cầu Tân Nghĩa thì đi bộ miễn phí, đi xe đạp mua vé 1.000 đồng, muốn đi lúc nào cũng được; sau khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư giao cầu cho Nhà nước quản lý, lúc đó qua cầu khỏi mua vé. Qua đò Cầu Đá trả 1.000 đồng/người, có xe đạp 1.500 đồng, phải trả phí nếu mang vác hàng hóa nặng, cồng kềnh và phải chờ đợi, đi lúc nửa đêm phải trả tiền gấp nhiều lần và phải mua vé vô thời hạn nếu còn phải qua đò.

Lợi ích qua cầu B.O.T thay vì qua đò đã rõ. Việc mua vé qua cầu B.O.T nói riêng là sự đóng góp một phần của người dân để xây dựng cầu đường trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của chính mình và xã hội.

Từ chuyện mua vé qua cầu B.O.T ở huyện Cao Lãnh, liên tưởng đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nông thôn mới (NTM).

Thời gian qua, đa số nông dân tích cực phát huy vai trò làm chủ đã góp công, góp của, vận động mạnh thường quân kéo điện, làm bờ bao bảo vệ lúa, vườn kết hợp giao thông nông thôn... theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; sẵn sàng hiến đất, giao đất để làm cầu, đường, trường học, trạm y tế, chợ, cụm tuyến dân cư...; tích cực vận động người thân trong gia đình và xóm giềng “mỗi người một tay” xây dựng NTM, tập trung những tiêu chí từ nguồn lực của từng hộ dân và cộng đồng thực hiện như phấn đấu thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, nhà ở, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bởi hơn ai hết, nông dân hiểu rằng bản thân, gia đình và cộng đồng là người đầu tiên hưởng lợi kết quả từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM mang lại.

Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Đến tháng 8/2015, toàn tỉnh có 11 xã đạt tiêu chí NTM, hầu hết những xã còn lại đạt 12 tiêu chí trở lên.

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một số người không muốn thoát nghèo; vô tư vứt rác thải, xác súc vật chết ra đường, xuống sông; gia đình bất hòa, con cái bỏ học; gây tai nạn giao thông; đảng viên bị kỷ luật với hình thức cao nhất... Có nơi vẫn phải đi lại bằng đò, kế bên là cây cầu chơ vơ vì chưa có đường dẫn vào cầu, một số bờ bao còn vài chục mét chưa khép kín do hộ dân đòi Nhà nước bồi hoàn.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Đồng Tháp, 5 xã NTM được thẩm định vào đầu tháng 9/2015 cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, nhưng có tiêu chí chưa bền vững do một số “tiêu chí con” chưa đạt như cảnh quan môi trường, nhà ở, bảo hiểm y tế, an ninh trật tự...

Qua sông thì phải lụy đò, qua cầu B.O.T phải mua vé. Nhưng không thể buộc mọi người phải đóng góp xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thực ra, có giải pháp còn mạnh hơn quy định của pháp luật đó là tuyên truyền, giáo dục và nhất là sự phê phán lên án của xã hội để tạo nên sức mạnh của tập thể, sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư.

Bác Hồ nhắc nhở: Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Cần phải tuyên truyền, vận động, phát huy những nhân tố tích cực, qua sinh hoạt các đoàn thể, tổ nhân dân tự quản cộng đồng, các kênh thông tin đại chúng nhằm tạo dư luận xã hội để thay đổi nhận thức đối với một bộ phận người dân chỉ trông chờ nhà nước và cộng đồng, cho họ thấy quyền lợi cá nhân, gia đình không thể tách rời quyền lợi của tập thể, qua đó lôi kéo họ vào các phong trào ở địa phương.

Để không còn thắc mắc vì sao phải mua vé qua cầu B.O.T Sông Cái Nhỏ, Tân Nghĩa. Để không còn cảnh “qua sông thì phải lụy đò”, những cây cầu chơ vơ, bờ bao chưa phát huy tác dụng, cộng đồng không bị thiệt thòi vì một thiểu số người chưa tích cực. Để tất cả ngón tay đều hợp lại nơi bàn tay, tạo thành sức mạnh tổng hợp xây dựng thành công xã NTM.

Hữu Ý

Xã Bình Thạnh bị bao bọc bởi hai con sông (sông Tiền và sông Cái Nhỏ). Phía bắc xã Tân Nghĩa, toàn bộ xã Gáo Giồng, Phương Thịnh bị cách trở bởi kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Để khắc phục khó khăn trong đi lại, nhất là đánh thức tiềm năng những vùng đất này, lãnh đạo huyện Cao Lãnh kêu gọi một số doanh nghiệp làm cầu theo hình thức B.O.T. Cầu Tân Nghĩa khởi công năm 2005, đưa vào khai thác tháng 1/2007, vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tháng 8/2014; cầu Sông Cái Nhỏ khởi công năm 2006, đưa vào khai thác tháng 12/2009, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tháng 8/2020. Sau khi hoàn vốn, nhà đầu tư tiếp tục thu phí qua cầu 5 năm.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn