Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong thời điểm Tết

Cập nhật ngày: 13/02/2015 14:14:50

Thời điểm Tết, người dân có nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Phước - Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP tỉnh về công tác này.

* PV: Được biết, trong năm 2014, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 13 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP, xin ông cho biết việc phối hợp giữa các ngành thời gian qua có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Ông Phạm Văn Phước (P.V.P.): Thông tư liên tịch 13 có một số điểm mới đáng chú ý như: phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP; giải quyết được vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương; nguồn nhân lực của nhiều ngành tham gia công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Tại Đồng Tháp, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương đã tích cực phối hợp, hỗ trợ công tác quản lý, thực hiện bàn giao quản lý cơ sở thực phẩm; xác nhận kiến thức ATTP; thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi trách nhiệm của từng ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: nguồn kinh phí và nhân lực chưa đáp ứng đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là tại tuyến huyện và xã; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm luôn phát sinh mới, đôi khi gây khó khăn trong việc phân định quản lý giữa các ngành.

* PV: Ý thức người dân đối với vấn đề ATTP ra sao? Chi Cục ATVSTP làm gì để nâng cao ý thức người dân trong thời gian tới?

- Ông P.V.P.: Theo số liệu điều tra kiến thức, thực hành về ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2014, có 63,9% người tiêu dùng tại hộ gia đình có kiến thức, thực hành đúng về ATTP. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức cao đối với việc sử dụng thực phẩm an toàn. Các năm gần đây, đa số các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh xảy ra tại hộ gia đình. Các vụ ngộ độc xảy ra chủ yếu do rượu không rõ nguồn gốc có chứa methanol, cá nóc, cóc và thức ăn khác nhiễm vi sinh vật. Các vụ ngộ độc này có thể phòng tránh nếu người dân nắm thông tin và tuân thủ các nguyên tắc về việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng ATTP do các cơ quan chức năng khuyến cáo. Trong thời gian tới, Chi Cục ATVSTP tiếp tục thông tin, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân. Đây là giải pháp quan trọng, góp phần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và hạn chế các vi phạm về ATTP.

 * PV: Thời điểm cận Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, Chi Cục ATVSTP có những kế hoạch, khuyến cáo gì đến người dân khi sử dụng thực phẩm?

- Ông P.V.P: Công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán đã, đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh gồm: truyền thông; thanh kiểm tra; sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, bảo đảm vật tư, phương tiện phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 509 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh, kiểm tra, trong đó 421 cơ sở đạt, 88 cơ sở vi phạm (đã xử lý 4 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 5 triệu đồng). Trong dịp Tết, thực phẩm trên thị trường rất đa dạng, người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi lựa chọn để có thực phẩm ngon và an toàn; nên chọn sản phẩm ở các cửa hàng có uy tín, quen thuộc, siêu thị; nên chọn rau quả tươi, thịt gia súc tươi,... Trường hợp sử dụng rượu, bia, cần lưu ý không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân...

C.Phương (thực hiện)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn