Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cấp huyện, cấp xã:

Góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Cập nhật ngày: 13/02/2015 05:56:58

Sau khi sáp nhập hai đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện và đội 814 cấp huyện, xã thành Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội (VH-XH) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành tỉnh liên quan đã xây dựng văn bản hướng dẫn liên ngành về tổ chức và hoạt động của Đội.

Đội là lực lượng phối hợp gồm các ngành VH,TT&DL; Thông tin và Truyền thông; LĐ,TB&XH; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Công an và các ngành có liên quan để kiểm tra, phát hiện nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) trong các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ VH,TT&DL; thông tin truyền thông và phòng, chống TNXH; kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm để tham mưu hình thức xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đối tượng mà đội kiểm tra là các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ VH,TT&DL; thông tin truyền thông; phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, đánh bạc; phòng cháy, chữa cháy; tài nguyên môi trường và các hành vi vi phạm công cộng khác trên địa bàn tỉnh. Đội khi thi hành nhiệm vụ phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo cấp trên trực tiếp và đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Đội có nhiệm vụ khảo sát nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực VH-XH theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định và các văn bản pháp luật có liên quan. Khi phát hiện hành vi VPPL, đội phải đình chỉ kịp thời, xác lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân VPPL theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan, kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Khi thi hành công vụ, đội được kiểm tra tất cả tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức các hoạt động như đã nêu trên và các hành vi vi phạm công cộng khác trên địa bàn tỉnh. Đội có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra, xuất trình, cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh theo đúng nội dung kiểm tra và hợp tác với lực lượng kiểm tra trong suốt thời gian kiểm tra; lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ tang vật, quyết định tạm giữ tang vật, niêm phong tang vật và đình chỉ hành vi vi phạm hành chính (nếu có), trường hợp khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hình sự thì kịp thời xác lập hồ sơ vụ việc vi phạm chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền thụ lý.

Đội kiểm tra liên ngành VH-XH cấp huyện do UBND cấp huyện quyết định thành lập gồm có 1 đội trưởng, 2 hoặc 3 đội phó và các thành viên. Đội chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND cấp huyện trong mọi hoạt động. Tổ kiểm tra VH-XH cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào hướng dẫn này và điều kiện thực tế tại địa phương giao cho Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập để kiểm tra theo thẩm quyền quản lý địa phương. Đồng thời, có trách nhiệm hỗ trợ Đội Kiểm tra liên ngành VH-XH cấp huyện khi có yêu cầu kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Quy định khi tiến hành kiểm tra, Đội kiểm tra liên ngành VH-XH cấp huyện chỉ được tiến hành kiểm tra khi có Đội trưởng hoặc Đội phó và ít nhất 4 thành viên của đội tham gia; tổ kiểm tra liên ngành VH-XH cấp xã chỉ được tiến hành kiểm tra khi có tổ trưởng hoặc tổ phó và ít nhất 3 thành viên của tổ tham gia. Khi tiến hành kiểm tra, các thành viên của đội, tổ phải mang theo thẻ kiểm tra và phải xuất trình thẻ kiểm tra cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra biết.

Như Anh

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn