Lấp Vò

Nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo

Cập nhật ngày: 25/03/2015 13:47:33

Những năm qua, giảm nghèo được huyện Lấp Vò xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện giúp hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đan giỏ xách nhựa tạo thu nhập thêm cho phụ nữ nghèo nông thôn

Giúp vốn cho hộ nghèo làm ăn từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các hội đoàn thể, hàng năm, toàn huyện có hàng trăm hộ nghèo được vay vốn, riêng năm 2014, có 1.267 hộ nghèo và 353 hộ cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình với số tiền trên 10 tỷ đồng. Để hộ nghèo sử dụng vốn có hiệu quả, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề huyện mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, định hướng cách làm ăn. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Thanh Sang ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh nhờ chí thú làm ăn nên 2012 được xét cho vay vốn 20 triệu đồng, anh mua 2 con bò nuôi vỗ béo, cuối năm 2013, anh đã thoát nghèo. Anh Sang cho biết: “Thoát được nghèo tôi mừng lắm. Từ vốn 2 con bò ban đầu, tôi tiếp tục nuôi 2 con bò khác và sắp bán. Mỗi con bò tôi mua 10 triệu đồng, bỏ công chăm sóc, cắt cỏ 6 tháng có thể bán được 15 triệu đồng đến 16 triệu đồng/con”.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, huyện còn mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ với các nghề: đan ghế nhựa, giỏ nhựa, bội. Sau học nghề, phần lớn các chị làm gia công tại nhà. Với 2 năm trong nghề đan giỏ xách, chị Dương Thị Dừa ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh Trung nói: “Trước đây tôi có nhiều thời gian nhàn rỗi, nhưng ngần ngại đi học, vì lớn tuổi. Sau khi học được nghề, tôi rất thích vì có việc làm tại nhà để kiếm thêm thu nhập”.

Huyện mở các lớp nghề nông nghiệp: trồng xoài theo hướng VietGAP, nấm rơm, ớt, nuôi ếch, gà sinh học cho hơn 500 thanh niên nông thôn tham gia học; phối hợp Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đa quốc gia IDI đào tạo nghề theo địa chỉ với nghề chế biến thủy sản, mỗi năm tạo việc làm cho hơn 700 lao động. Ngoài ra, từ 2014 đến nay, nhận thấy việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động (XKLĐ) đến thanh niên nông thôn, giúp thanh niên có việc làm phụ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2014, toàn huyện có 162 lao động tham gia XKLĐ các thị trường: Nhật Bản, Hàn quốc, Malaysia và Đài Loan, thu nhập từ 1.000 - 1.500 USD/tháng. Đầu năm 2015 đến nay, có 17 thanh niên đăng ký chờ xét hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Anh Nguyễn Trường Giang ở khóm Mỹ Thạnh, thị trấn Lấp Vò vừa đi XKLĐ tại thị trường Malaysia về cho biết: “Tôi làm việc tại một nhà hàng ở Malaysia, lương tháng khoảng 30 triệu đồng tiền Việt Nam. Tôi dự định năm tới tiếp tục đăng ký đi XKLĐ”.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, số hộ nghèo của huyện giảm dần. Năm 2014 có 408 hộ thoát nghèo, hiện còn 2.150 hộ nghèo, chiếm 4,82% hộ toàn huyện. Bà Lê Thị Khâm - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Công tác đào tạo nghề, giúp vốn, giới thiệu việc làm đã giúp cho nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân, vẫn còn một bộ phận người dân nghèo chưa có ý chí thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước. Trong năm 2015, huyện tăng cường tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp các hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo; phối hợp các ngành, tìm đầu ra cho sản phẩm nông thôn để người dân nghèo sản xuất, chăn nuôi yên tâm với nghề,...”.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn