Khó khăn xóa nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Cập nhật ngày: 11/03/2017 07:05:56

ĐTO - Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè (LĐ,VH) trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (TPCL) xảy ra rất phổ biến. Mặc dù ngành chức năng thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng thực trạng trên vẫn còn tiếp diễn...


Nhiều hộ kinh doanh, mua bán lấn chiếm vỉa hè khu vực chợ Mỹ Ngãi, TP.Cao Lãnh

Do nằm ở khu vực trung tâm và được xem là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ của TPCL nên phường 2 là một trong những điểm nóng về lấn chiếm LĐ,VH. Trên địa bàn phường có chợ, bến xe, có nhiều công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động nên việc chiếm dụng LĐ, VH để mua bán, trưng bày hàng hóa, đậu đỗ phương tiện không đúng nơi quy định diễn ra thường xuyên. Tại một số tuyến đường: Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lê Anh Xuân, Lý Thường Kiệt..., người dân chiếm dụng phần vỉa hè để mua bán gây khó khăn cho người đi bộ. Trong khi đó, ở các địa bàn khác như phường 1 hay phường 4, tình hình lần chiếm LĐ, VH cũng còn xảy ra, chưa thể khắc phục. Ngoài ra, các hộ mua bán hàng rong, xe đẩy cũng là đối tượng thường xuyên lấn chiếm LĐ,VH trên các tuyến đường nội ô thành phố. “Sự thiếu ý thức và quan điểm phục vụ tận nơi cho người mua là một trong những yếu tố góp phần cho việc tái vi phạm lấn chiếm LĐ,VH của các hộ mua bán khi không có lực lượng kiểm tra. Nói tóm lại, tình trạng lấn chiếm LĐ,VH vẫn xảy ra khi không có lực lượng kiểm tra, mặc dù bị xử lý nhưng vẫn vi phạm” - ông Nguyễn Hà Khanh - Đội Trưởng Đội Quản lý Trật tự - Đô thị (QLTT-ĐT) TPCL lý giải.

Trước thực trạng trên, ngành chức năng TPCL đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhằm từng bước kéo giảm tình hình. Đội QLTT-ĐT TPCL phối hợp cùng Đội Cảnh sát trật tự, Công an TPCL và các phường, xã xây dựng lịch hàng tuần ra quân kiểm tra xử lý xuyên suốt, tập trung vào các địa bàn, tuyến đường trọng điểm. Các trường hợp vi phạm sẽ bị tạm giữ hàng hóa và chuyển giao cho phường, xã nơi hộ mua bán vi phạm xử lý theo thẩm quyền. Theo Đội QLTT-ĐT TPCL, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã phối hợp với UBND phường, xã xử lý và tạm giữ hàng hóa 446 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 75 trường hợp, với số tiền trên 10 triệu đồng; xử phạt 231 trường hợp đậu đỗ xe sai quy định với số tiền phạt trên 34 triệu đồng; kiểm tra nhắc nhở 368 lượt các hộ mua bán trưng bày hàng hóa vào đúng nơi quy định và nhắc nhở 265 lượt xe mô tô đậu dưới lòng đường sai quy định.

Mặc dù ngành chức năng quyết liệt xử lý nhưng vẫn không giải quyết triệt để vấn nạn lấn chiếm LĐ,VH do gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Hà Khanh nhận định: “Đối với đa số người dân lấn chiếm LĐ,VH, mua bán là nguồn thu nhập chính của họ. Do đó, nếu không có chính sách chuyển đổi mô hình hoặc nghề nghiệp thì họ vẫn tìm cách bám trụ để tiếp tục mưu sinh. Ngoài ra, việc làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân về tuân thủ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, không gian đô thị hiện nay của TPCL chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân nên dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm LĐ,VH...”.

Năm 2017, TPCL triển khai thực hiện “Năm văn minh đô thị”. Do vậy, ngay từ đầu năm, Đội QLTT-ĐT đã chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch lập lại TT-ĐT trên địa bàn. Theo đó, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp kiểm tra và cương quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm; tập trung giải quyết, lập lại trật tự có bàn giao trách nhiệm quản lý cụ thể từng địa phương và các đơn vị liên quan; giải quyết căn cơ, hiệu quả nhất đối với tình trạng lấn chiếm LĐ,VH; lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, không cho các xe, gánh bán hàng rong lấn chiếm LĐ,VH song song với việc giải quyết nhu cầu mưu sinh của người dân...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn