Giúp đỡ, tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình

Cập nhật ngày: 19/07/2017 11:16:40

ĐTO - Những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập nhiều địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Qua đó đã giúp đỡ, tư vấn tâm lí, ổn định tinh thần cho nạn nhân.


Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình

Toàn tỉnh hiện có 682 địa chỉ tin cậy được đặt tại nhà dân. Hình thức hoạt động của mô hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã, thị trấn chọn gia đình có khả năng che chở, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân để đặt địa chỉ tin cậy.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, các địa chỉ tin cậy đã tiếp nhận, tư vấn giải quyết mâu thuẫn gia đình cho 115 người bị BLGĐ. Ngoài 682 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Cơ sở Tư vấn về phòng, chống BLGĐ đặt tại Hội LHPN tỉnh, địa chỉ số 31, Quốc lộ 30, phường 1, TP.Cao Lãnh, số điện thoại 0277.3875.111.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hội LHPN tỉnh thực hiện tư vấn, hòa giải thành công 6 trường hợp phụ nữ có mâu thuẫn trong gia đình. Thông qua công tác tư vấn, hòa giải, nhiều nạn nhân bị BLGĐ đã ổn định tâm lí, xóa bỏ mâu thuẫn; đối tượng có hành vi bạo lực đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức được việc làm sai trái của bản thân.

Chị Nguyễn Thị T. ở huyện Tam Nông có chồng hay nhậu say về đánh vợ. Vì con, vì ngại với xã hội nên chị đành cam chịu và không chia sẻ với ai. Chị T. nói: “Tôi được Hội LHPN xã hướng dẫn đến địa chỉ tin cậy để được giúp đỡ. Qua được tư vấn, tôi đã hiểu mình không nên cam chịu, lâu dần sẽ gây hậu quả lớn. Nhờ được giúp đỡ mà tôi đã giải quyết được mâu thuẫn gia đình, tôi mừng lắm”. Còn trường hợp anh Đặng Văn H. ngụ huyện Lai Vung cho biết: “Trước đây, tôi hay nhậu về quậy, mắng chửi vợ. Từ khi được địa phương vận động, giáo dục, tôi đã thay đổi nhận thức. Tôi thấy mình làm vậy là không đúng. Nghĩ lại, tôi rất hối hận”.

Ngoài hoạt động tư vấn, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện nhiều cuộc đối thoại về chính sách pháp luật; phòng, chống BLGĐ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ...

Tại địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tích cực giới thiệu việc làm, đào tạo nghề nông thôn, cho vay vốn làm kinh tế giúp các gia đình có công việc ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần hạn chế BLGĐ.

Chị Võ Thị Thúy Hằng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo chính sách, Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Mô hình đã kịp thời hòa giải mâu thuẫn, tránh gia đình đổ vỡ, hạn chế bạo hành xảy ra; cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ bảo vệ bản thân phòng BLGĐ. Nếu người dân, đặc biệt là phụ nữ có mâu thuẫn gia đình không giải quyết được hãy gọi đến số 0277.3875.111 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời”.

Bên cạnh hoạt động của mô hình địa chỉ tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ phòng, chống BLGĐ, từ năm 2010 đến nay, Ban chỉ đạo Xây dựng đời sống văn hóa tỉnh triển khai đến các huyện, thị, thành phố tổ chức tuyên truyền trên 600 cuộc, với các chủ đề: gia đình, hạnh phúc, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình; triển khai các văn bản pháp luật về Luật phòng, chống BLGĐ, Luật bình đẳng giới... thu hút gần 15.000 người tham dự. Tại các địa phương duy trì thực hiện mô hình Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, đến nay toàn tỉnh có 465 CLB duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

Hiện tình trạng BLGĐ có giảm, tuy nhiên vì nhiều lí do BLGĐ vẫn còn xảy ra. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2010 – 2016, số vụ BLGĐ toàn tỉnh giảm, năm 2010 có 1.588 vụ, đến năm 2016 giảm còn 635 vụ và 6 tháng đầu năm 2017 là 122 vụ.

Tiếp tục công tác phòng, chống BLGĐ từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, duy trì thực hiện tốt các mô hình, CLB tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, củng cố phát huy hiệu quả hoạt động các địa chỉ tin cậy...

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn