Giám sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 10/11/2014 07:33:50

Nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/11, Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh có buổi giám sát tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH).


Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình ý kiến của Đoàn giám sát

 

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, từ năm 2010 đến tháng 10/2014, Đồng Tháp đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 76.802 học viên (HV), đạt 76,57% so với kế hoạch năm 2010 - 2015. Trong đó, có 3.422 HV trình độ cao đẳng; 6.718 HV trình độ trung cấp và 66.662 HV sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Người học nghề đã được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành, trong đó khoảng 70% HV có việc làm sau học nghề, góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo nhóm nghề nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp như: chăn nuôi heo, gà, vịt, trồng rau theo hướng an toàn sinh học... cho 9.477 HV, trong đó có 86,2% HV có việc làm sau đào tạo. Với nhóm nghề phi nông nghiệp, hơn 46.600 HV đăng ký tham gia học 39 nghề, có việc làm sau đào tạo chiếm 87,8%.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế như: cơ sở vật chất tại các trung tâm dạy nghề còn thiếu thốn, lạc hậu; việc tổ chức dạy nghề tại một số địa phương chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế; trình độ đội ngũ giáo viên còn hạn chế; chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở chưa cao, một số nghề thu nhập thấp dẫn đến người học bỏ nghề sau khi học...

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ – TB&XH kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho lao động nông thôn sau khi học nghề; bổ sung biên chế và trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề; có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm cho người lao động tham gia sản xuất nghề phụ. Đại diện Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh yêu cầu Sở LĐ - TB&XH cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề bằng nhiều hình thức phù hợp để thu hút người lao động tham gia học nghề; tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo nghề theo địa chỉ; gắn việc đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nền nông nghiệp và xuất khẩu lao động theo định hướng của tỉnh trong thời gian tới...

Phước Lộc

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn